Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân): Xác định rõ các khâu đột phá trong huấn luyện

Ở Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân), biên đội Tàu 382 và 383 được gọi là 'đôi tàu quyết thắng'. Điểm nổi bật ở hai tàu này là thành tích huấn luyện giỏi nhiều năm liền.

Theo Thượng tá Lê Văn Khải, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn, đó là kết quả từ chủ trương đổi mới công tác huấn luyện bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản với huấn luyện làm chủ, đột phá huấn luyện cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT).

Tham quan buổi huấn luyện tại Tàu 383, chúng tôi chứng kiến tinh thần học tập chăm chú, nghiêm túc của các chiến sĩ. Với nội dung huấn luyện hệ thống pháo phòng không AK-630 trên tàu tên lửa, cán bộ lên lớp hướng dẫn tỉ mỉ trên pháo, thực hành động tác mẫu và kiểm tra nhận thức, sửa tập ngay khi chiến sĩ thao tác chưa chuẩn xác. Giờ ôn luyện, bộ đội được chia thành từng nhóm, các đồng chí cán bộ tàu bám sát bộ đội, hướng dẫn, giúp đỡ, chấn chỉnh kịp thời để chiến sĩ nắm chắc nội dung, thao tác chính xác. Đại úy Bùi Văn Khoa, Thuyền trưởng Tàu 383, cho biết: “Đơn vị đang quản lý, khai thác tàu chiến đấu hiện đại, được trang bị vũ khí, khí tài chuyên dụng, nhiều loại sử dụng công nghệ số hóa, công nghệ thông tin với độ chính xác cao. Mỗi nhân viên, chiến sĩ trên tàu đều phải nắm chắc chức trách của mình, nhuần nhuyễn động tác cá nhân và biết chức trách của 1-2 chiến sĩ khác. Điều này đòi hỏi công tác huấn luyện phải tỉ mỉ, luyện tập thường xuyên, nâng dần độ khó và yêu cầu cao đối với tất cả các ngành; đồng thời tích cực hợp luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Thực hành huấn luyện hệ thống pháo phòng không AK-630 của Tàu 383 (Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân).

Ở Tàu 382 và các tàu khác, cấp ủy, chỉ huy tàu cũng luôn coi trọng chất lượng huấn luyện, nhất là kỹ năng thực hành và trình độ chuyên sâu của nhân viên, chiến sĩ. Từng tàu tập trung huấn luyện làm chủ theo nhiều mức độ khác nhau, phân loại chiến sĩ có thời gian công tác tại tàu dưới 6 tháng, dưới 1 năm và trên 1 năm để huấn luyện sát đối tượng. Khi thành thục các mức sẽ đột phá huấn luyện chuyên sâu, có thể sửa chữa được những hỏng hóc thông thường. Theo Thiếu tá Nguyễn Ánh Ngọc, Thuyền trưởng Tàu 382, các ngành phân loại quân nhân thành nhiều nhóm để huấn luyện và đặt ra yêu cầu cụ thể cho từng nhóm. Trong ngày kỹ thuật hằng tuần, chỉ huy tàu và trưởng ngành trực tiếp kiểm tra từng vị trí chiến đấu thực hiện chức trách, nhiệm vụ, vận hành, sử dụng khí tài, trang bị..., kịp thời chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót. Nhờ vậy, quá trình hợp luyện tiêu diệt mục tiêu luôn diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp trong toàn tàu.

Thời gian qua, Lữ đoàn 167 đẩy mạnh Phong trào thi đua “Huấn luyện giỏi, chính quy, an toàn, làm chủ”, thực hiện đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh; huấn luyện chiến thuật tàu trong các nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với hội thi, hội thao các cấp, các ngành, gắn huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật với diễn tập hiệp đồng và diễn tập tổng hợp. Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Lữ đoàn trưởng, cho biết: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Lữ đoàn coi trọng công tác huấn luyện làm chủ VKTBKT hiện đại; đồng thời cụ thể hóa các khâu đột phá của Quân chủng Hải quân và Vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn đột phá vào tự nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy, tổ chức, phương pháp huấn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp; chọn từng tàu làm đơn vị điểm trong huấn luyện chuyên ngành, thể lực, xây dựng nền nếp chính quy, đặc biệt là huấn luyện làm chủ VKTBKT".

Trong công tác huấn luyện, Lữ đoàn 167 đặt ra yêu cầu đạt giỏi về kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh, hiệp đồng, thể lực, cứu hộ-cứu nạn, phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn và công tác tham mưu, bảo đảm huấn luyện. Với yêu cầu này, công tác huấn luyện của Lữ đoàn năm 2023 có thêm nhiều điểm mới, như: Chỉ huy Lữ đoàn trực tiếp lên lớp các chuyên đề cho sĩ quan, tập huấn nội dung khó, nội dung mới; huấn luyện đêm sau 0 giờ; hiệp đồng với Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật nâng cấp cẩu nhận tên lửa vào ban đêm mỗi tháng một lần; kiểm tra chất lượng huấn luyện làm chủ, chuyên sâu đến từng nhân viên, chiến sĩ... Những điểm mới này thiết thực góp phần nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và chất lượng huấn luyện của đơn vị.

Xác định "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", Lữ đoàn 167 chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho sĩ quan với nhiều hình thức, như: Hội báo chiến thuật, tập nhóm, luyện tập tại vị trí chỉ huy để nâng cao năng lực toàn diện...; đồng thời khuyến khích cán bộ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng phần mềm mô phỏng ứng dụng vào thực tiễn công tác, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong năm, Lữ đoàn có 33 sáng kiến được củng cố, làm mới phục vụ huấn luyện; trong đó có 1 sáng kiến đoạt giải nhì cấp vùng. Đại tá Nguyễn Thành Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 167, chia sẻ: “Huấn luyện giỏi, chính quy, an toàn, làm chủ, chuyên sâu... đều bắt đầu từ đội ngũ cán bộ. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn coi trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, phân công kèm cặp, giao nhiệm vụ để thử thách, giúp cán bộ từng bước trưởng thành. Bên cạnh đó, Lữ đoàn xác định nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để bảo đảm nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ VKTBKT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

Bài và ảnh: THÀNH CƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lu-doan-167-vung-2-hai-quan-xac-dinh-ro-cac-khau-dot-pha-trong-huan-luyen-763338