Lũ lụt nghiêm trọng và những tác động của biến đổi khí hậu

Trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua, lũ lụt đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà tại các tỉnh miền trung. Diện tích bị ngập trên diện rộng và mức độ nghiêm trọng, nên các địa phương đã phải di dời gần 10.000 hộ dân vùng trũng thấp, sạt lở đến nơi an toàn.

Riêng tỉnh Quảng Nam phải di dời đến 6.400 hộ (25.000 nhân khẩu). Đã có hàng chục người thiệt mạng, gần 50 ngôi nhà bị sập, bị trôi; hơn 3.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại. Những trận lũ lụt trong thời gian qua ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), miền trung, đỉnh lũ triều cường ở TP Hồ Chí Minh trong tháng 10 lên đến gần 1,6 m là những báo động "đỏ" về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai.

Nhưng đó chưa phải là tác động xấu nhất do BĐKH gây ra. Theo tính toán của các chuyên gia về BĐKH thì trong vòng 20 đến 50 năm tới, BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng hơn đối với Việt Nam và nguy cơ lớn đe dọa phát triển kinh tế, cùng nhiều hậu quả xã hội. Điều có thể thấy ngay trước mắt là cản trở thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo do phát triển kém bền vững, các Mục tiêu thiên niên kỷ cũng khó thực hiện, mặc dù trong những năm qua Việt Nam được Liên hợp quốc khẳng định là quốc gia có nhiều nỗ lực và thành tựu được cả thế giới ghi nhận, đánh giá cao việc xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành hầu hết và về đích sớm một số Mục tiêu thiên niên kỷ.

Trước những diễn biến phức tạp, mau lẹ của BĐKH, chúng ta cần có những suy nghĩ ứng phó một cách chủ động và tích cực. Từ những cảnh báo của các nhà khoa học mà Chính phủ cần có những chính sách mới trong cải tạo thiên nhiên như chính sách trồng và bảo vệ rừng một cách tốt nhất, những quyết sách mới về xây dựng các thành phố và các khu kinh tế, công nghiệp ven biển, chính sách đào tạo nhân lực cho các vùng kinh tế biển đảo và các vùng có khả năng chịu đựng nhiều tác động của BĐKH, thảm họa thiên tai như vùng ĐBSCL, khu vực dọc theo bờ biển miền trung, đồng bằng sông Hồng... Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền và những chế tài hiệu quả để các cấp, các ngành, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, các doanh nghiệp, người dân vào cuộc, như sản xuất, tiêu dùng các loại sản phẩm thân thiện môi trường, thay đổi dần nếp sản xuất và tiêu thụ tiêu tốn năng lượng; làm thay đổi và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới bằng công nghệ năng lượng, hàng hóa, dịch vụ theo hướng phát thải ít các-bon, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, tiếp cận với thiết chế tài chính quốc tế về BĐKH.

Ứng phó với BĐKH, thực chất là vấn đề của phát triển bền vững. Điều đó vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài, tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Các cấp các ngành, địa phương cần vào cuộc nhiều hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình chống BĐKH của Chính phủ, như kiểm soát lại sau gần ba năm triển khai thì đã làm được những công việc gì. Nhất là công tác quy hoạch và xây dựng các đề án, các kịch bản cho từng vùng theo dự báo là bị tác động nhiều nhất của BĐKH. Cùng với nâng cao nhận thức, quan trọng hơn, cấp bách hơn là hãy hành động ngay, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp mà nước ta đã bước đầu thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: Trong những năm tới, vừa khuyến khích tăng trưởng kinh tế, vừa ra sức bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên sinh học.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/cung-suy-ngam/l-l-t-nghiem-tr-ng-va-nh-ng-tac-ng-c-a-bi-n-i-khi-h-u-1.321211