Lũ lụt qua đi, mất mát ở lại

Trận lũ lụt lịch sử trong vòng 100 năm trở lại đây tại châu Âu đã nhấn chìm nhiều thành phố ở Tây Âu, chủ yếu ở Đức và Bỉ. Nó khiến hàng trăm người thiệt mạng và đẩy người dân rơi vào tình cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Các nước bị ảnh hưởng đang gấp rút khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Hình ảnh tại thị trấn Bad Neuenahr-Ahrweiler, quận Ahrweiler, Đức. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh tại thị trấn Bad Neuenahr-Ahrweiler, quận Ahrweiler, Đức. Ảnh: Reuters.

Tưởng nhớ các nạn nhân

Tại Bỉ, tình hình đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, trận lũ lụt lịch sử tuần trước đã nhấn chìm tỉnh Lìege và một số thành phố ở miền Đông và Nam nước Bỉ thuộc vùng Wallonie khiến 31 người thiệt mạng và 116 người mất tích.

Sau khi nước rút, nhiều ngôi nhà bị nước phá hủy, ô tô chất chồng lên nhau, cành cây và rác thải chất đống dưới chân cầu... Trung tâm chống khủng hoảng liên bang Bỉ cho biết, công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục và mối quan tâm lớn nhất lúc này là thiếu nước sinh hoạt ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngày 21/7, toàn nước Bỉ đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ lụt lịch sử trong lễ tưởng niệm được tổ chức tại Verviers, một trong những thị trấn thuộc tỉnh Lìege, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với sự có mặt của Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde.

Thành phố Brussels đã quyết định hủy bỏ lễ hội mừng quốc khánh diễn ra vào ngày 21/7. Thành phố Namur, thủ phủ của vùng Wallonie, cũng hủy bắn pháo hoa mừng quốc khánh. Phát biểu sau giây phút mặc niệm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, EC luôn sát cánh cùng người dân để giúp họ tạo dựng lại cuộc sống và nhà cửa.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, cùng đại sứ các quốc gia thành viên EU cũng dành một phút để tưởng nhớ các nạn nhân lũ lụt. Để hỗ trợ những người bị nạn, người dân khắp nơi ở Bỉ đã quyên góp tiền, quần áo, đồ ăn và đón tiếp những nạn nhân bị thiệt hại.

Ngày 20/7, Thủ hiến vùng Wallonie, Elio Di Rupo thông báo chính phủ vùng quyết định hỗ trợ khẩn cấp 2 tỷ Euro cho các địa phương bị ảnh hưởng để tái thiết sau lũ lụt.

Sốc vì thiệt hại

Không ai có thể ngờ rằng ở một nơi thịnh vượng tại một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới như nước Đức, người dân lại phải đối mặt với tình cảnh hỗn loạn như vậy. Trận lũ lụt lịch sử tại Đức vào tuần trước đã khiến ít nhất 170 người thiệt mạng, 750 người bị thương, nhiều người còn đang mất tích và 30.000 người vẫn chưa có điện sinh hoạt.

Trận lụt đã phá hủy nhiều dịch vụ thiết yếu ở những ngôi làng thuộc huyện Ahrweiler, khiến hàng nghìn cư dân sống trong cảnh ngập lụt, đổ nát, thiếu nước uống và không thể xả thải. Chính quyền huyện Ahrweiler khuyến cáo người dân sinh sống ở hai bờ sông Ahr không nên sử dụng nước trên sông Ahr để sinh hoạt, bởi nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng do dầu sưởi, nước thải, bùn và rác.

“Chúng tôi không có nước uống, không có điện và ga. Nhà vệ sinh cũng không xả được. Không có gì hoạt động được. Tôi đã gần 80 tuổi nhưng chưa từng trải qua tình cảnh nào như thế này”, ông Ursula Schuch, một người dân cho biết. Thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảm thấy bị sốc khi chứng kiến sự tàn phá của lũ lụt khi bà đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng ở miền Tây nước Đức.

Không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, mưa lũ còn phá hủy nhiều công trình cầu đường, nhà cửa và hệ thống công cộng. Nhiều tập đoàn và công ty, như nhà cung cấp phụ tùng xe hơi ZF, tập đoàn năng lượng RWE và công ty tái chế đồng Aurubis phải ngừng hoặc giảm sản xuất do lũ lụt.

Đặc biệt, bên cạnh những thiệt hại có thể đo đếm được về vật chất, nguy cơ khủng hoảng y tế cộng đồng cũng là một thiệt hại đáng kể trong khi rất ít người có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa virus trong hoàn cảnh này.

Ông Olav Kullak - Giám đốc Điều phối vaccine trong khu vực cho biết: “Mọi thứ đã bị phá hủy trong nước lũ, chứ không phải virus. Do mọi người phải cùng nhau khắc phục hậu quả của lũ lụt, không thể tuân thủ bất kỳ quy tắc phòng dịch nào, nên ít nhất chúng tôi phải nỗ lực bảo vệ họ tốt nhất bằng việc tiêm chủng”.

Kế hoạch tái thiết

Chính phủ Đức đặt mục tiêu xây dựng lại cơ sở hạ tầng của khu vực công bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Tây nước này càng nhanh càng tốt và hy vọng nhận được một phần đóng góp từ Quỹ châu Âu đoàn kết (EUSF) của Liên minh châu Âu (EU).

Quỹ EUSF có chức năng hỗ trợ các nước thành viên EU ứng phó với thiên tai và đẩy mạnh công tác tái thiết sau thảm họa. Cùng với đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, nước này sẽ nhanh chóng xây dựng một quỹ tái thiết và sẽ được triển khai ngay sau khi đánh giá được con số thiệt hại.

Các nguồn tin của Chính phủ Đức cho biết, chi phí tái thiết khu vực bị ảnh hưởng trong trận mưa lũ vừa qua ở các vùng Tây Đức sẽ lên tới hàng tỷ Euro, trong đó riêng chi phí xây dựng lại hệ thống đường sắt và đường bộ đã tiêu tốn khoảng 2 tỷ Euro. Đây là ước tính sơ bộ của Chính phủ Đức được truyền thông nước này đưa tin.

Bộ Giao thông liên bang Đức cho biết, nhiều con đường, cây cầu, đường sắt và cột viễn thông đã bị phá hủy và cần phải được sửa chữa ngay lập tức.Các nhóm đặc trách sẽ đánh giá thiệt hại đối với hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để có ước định cụ thể.

Sau thảm họa thiên tai, nhiều huyện ở bang Rheinland-Pfalz yêu cầu thiết lập một hệ thống cảnh báo số với các cột còi báo động mới nhằm cảnh báo tới mọi người dân cả trong trường hợp xảy ra các sự cố khác, như bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử, vũ khí hóa học...

Theo tài liệu dự thảo của Berlin, Chính phủ liên bang Đức có kế hoạch cung cấp 200 triệu euro (236 triệu USD) viện trợ khẩn cấp để sửa chữa các tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng tại địa phương, cũng như giúp đỡ người dân trong các tình huống khủng hoảng. Tài liệu cũng đề cập, nếu các bang cũng đóng góp 200 triệu euro, Chính phủ Đức sẽ có tổng cộng 400 triệu euro viện trợ ngay lập tức cho khu vực đang trong tình trạng lũ lụt.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lu-lut-qua-di-mat-mat-o-lai-5658590.html