Lũ ở đồng bằng sông cửu long: Không quá lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao

'Qua số liệu quan trắc và phân tích diễn biến lũ khu vực thượng nguồn sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long cho thấy, lũ năm 2018 xuất hiện sớm khoảng 10 ngày so năm 2017, nhưng mực nước chỉ xấp xỉ năm 2017', Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn (KTTV) An Giang Lưu Văn Ninh dự báo và nhận định: Lũ năm 2018 ở ĐBSCL không quá lớn, nhưng không được chủ quan...

Hiện mực nước bên trong đập Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang) vẫn ở mức thấp. Lũ ở ĐBSCL không cao nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất thường. Ảnh: L.T

Lũ lên không phải do vỡ đập

Theo Đài KTTV An Giang, mực nước cao nhất ngày 1.8, trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,11m, cao hơn cùng kỳ 2017 là 0,15m và dự báo đến ngày 3.8, mực nước này lên 3,15m. Theo ông Ninh, điều này cho thấy, lũ 2018 về sớm, nhưng nguyên nhân không phải do ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào.

“Theo số liệu quan trắc, sau khi vỡ đập tại trạm Ban Veunkhen (sông Se Kong - Lào), mực nước dâng cao nhất 6,10m. Sau đó gia nhập vào dòng chính sông Mekong tại Stung Treng tăng 35cm. Tuy nhiên, với dung tích chỉ khoảng 500 triệu m3, lại chảy tràn dọc đường dài 650km nên lượng nước này khi về đến ĐBSCL là không đáng kể” - ông Ninh nhận định.

Theo ông Ninh, trước đó, lưu vực sông Mekong đã có nhiều nước do xuất hiện mưa liên tục, kết hợp với triều cường nên đã gây ra mức tăng trung bình khoảng 6 - 8cm. Nói cách khác, sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào như giọt nước làm tràn chiếc ly vốn đã đầy ắp nước trên sông Mekong trước đó.

“Từ nửa cuối tháng 5.2018, lưu vực sông Mekong bắt đầu có mưa, mực nước tại các trạm dọc dòng chính từ Stung Treng đến Kratie bắt đầu tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 0,20 - 0,60m” - ông Ninh minh chứng thêm - “Sang nửa đầu tháng 6.2018, trên lưu vực lại xuất hiện nhiều mưa và 1 đợt lũ nhỏ. Đến nửa đầu tháng 7, lại tiếp tục xuất hiện mưa lớn trên lưu vực đã khiến mực nước tại các trạm bắt đầu lên, thời gian lũ kéo dài với biên độ khá lớn từ 4,50 - 10,70m”.

Không tình trạng ỷ lại, trông chờ

Phát biểu tại buổi làm việc của đoàn công tác Tỉnh ủy An Giang về tình hình nước lũ được tổ chức tại huyện Tịnh Biên vào ngày 1.8, Giám đốc Sở NNPTNT An Giang Trần Anh Thư nhận định, lũ năm 2018 sẽ không quá cao và dự báo đỉnh lũ sẽ ở dưới mức báo động II, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất thường. Theo dự báo, ngày 10.8, có khả năng xuất hiện triều cường trùng với cơn nước Rằm tháng 7. Lúc này, bão số 4 có khả năng phát triển mạnh lên, cộng với sự vận hành xả đập thủy điện từ phía thượng nguồn... sẽ làm cho lũ vận động vượt quy luật, đe dọa đến 18.000 ha lúa ngoài đê bao...

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu các cấp, ngành chủ động ứng phó lũ trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm. “Lo cho dân, không để thiệt hại tài sản, tính mạng, nhưng nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt để người dân thấy được trách nhiệm của mình, không ỷ lại, trông chờ” - bà Xuân nhấn mạnh.

LỤC TÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/lu-o-dong-bang-song-cuu-long-khong-qua-lon-nhung-tiem-an-nguy-co-cao-622834.ldo