Lũ trẻ và những giọt nước mắt

Những ngày qua, hàng nghìn cháu bé đang ở độ tuổi mẫu giáo ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã dắt díu nhau đến các bệnh viện T.Ư để xét nghiệm sán. Nhìn cảnh những đứa trẻ khóc ngằn ngặt, khi phải lấy máu làm mẫu bệnh phẩm, phụ huynh lo lắng, hoang mang.

Hàng nghìn phụ huynh chen chúc đưa con mình đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng T.Ư để làm xét nghiệm trong ngày 16/3. Ảnh: Ngọc Tú.

Tính đến hết ngày 17/3, đã có 182 trẻ qua xét nghiệm cho kết quả dương tính nhiễm ký sinh trùng sán, con số này xem chừng chưa dừng lại, bởi người dân vẫn đang tiếp tục đưa con em mình đến Hà Nội xét nghiệm. Nguyên nhân có thể do chúng đã ăn những bữa cơm nấu tại lớp học bán trú mà bố mẹ các con đã đặt niềm tin tuyệt đối. Không căm phẫn sao được, khi niềm tin ấy được đánh đổi bằng sự tàn nhẫn quá khủng khiếp.
Nhìn lại sự việc đau lòng này, không phải mới diễn ra trong một sớm một chiều, mà cả một quá trình khá dài. Nguyên nhân thật sự việc trẻ em bị nhiễm sán đang được cơ quan chức năng điều tra và sẽ có kết luận. Tuy nhiên, trước đây đã có rất nhiều nguồn tin cảnh báo về sự ma giáo và thủ đoạn bất chấp trong đạo đức kinh doanh, nhưng đáng tiếc, sự cảnh báo đó không được các cấp chính quyền, và những đơn vị chức năng địa phương lắng nghe một cách nghiêm túc. Để đến lúc những phụ huynh ở xã Thanh Khương, phải tự tổ chức theo dõi, bắt quả tang tại nhà bếp họ mới phát hiện sự thực rùng rợn này. Những đứa trẻ phải ăn thịt lợn bẩn, thịt gà thối cùng muôn vàn nguy cơ, trong đó có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng sán lợn. Sự bắt tay giữ người ký hợp đồng nhập thực phẩm, và công ty cung cấp thực phẩm, tuồn thực phẩm bẩn vào cơ thể các con là cái bắt tay của những người không có lương tâm. Đây là sự thực đau lòng, khi thực phẩm tưởng chừng được kiểm soát chặt bởi nhiều cơ quan chức năng, môi trường học đường đáng ra phải là môi trường an toàn nhất.
Nếu câu chuyện lũ trẻ ở Thuận Thành Bắc Ninh bị nhiễm sán, là một sự lên án, thì có lẽ sự lên án này sẽ không bao giờ dừng lại. Nhưng có một câu hỏi cứ xoáy vào đầu những phụ huynh rằng, tại sao lại là những đứa trẻ phải gánh chịu tội ác này của xã hội? Khi hàng loạt những tội ác giáo dục xảy ra trong trường học được người lớn xuề xòa cho xong, phụ huynh còn biết làm gì ngoài việc nuốt nỗi đau đớn, nhắm mắt chấp nhận giáo dục như một trò đùa số phận? Họ biết làm gì ngoài việc gào thét lên một lần nữa để mong những kẻ vô lương tâm kia phải trả giá.
Nhiều, quá nhiều vụ việc đã xảy ra rồi im lặng như chưa hề có. Người lớn hoặc cứ xuề xòa, tắc trách, bỏ qua những tội ác để hình phạt ụp lên đầu bọn trẻ ngay cả trong miếng ăn cũng bị lừa bỏ độc. Những giọt nước mắt bi phẫn và cay đắng vẫn cứ liên tục đổ xuống ngay trong địa hạt giáo dục. Dần dà, cái ác trở nên nhẹ nhàng trong mắt người lớn, những đứa trẻ sau này trưởng thành sao có một tư tưởng, một nếp sống một suy nghĩ để hướng tới sự hoàn thiện và nhân văn?

Khánh Gia

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lu-tre-va-nhung-giot-nuoc-mat-338676.html