Lựa chọn chiến lược

Hàn Quốc đã quyết định tạm hoãn có điều kiện việc chấm dứt Hiệp định Bảo đảm thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản, ngay trước thời điểm thỏa thuận này hết hiệu lực ngày 23/11.

Theo thông báo, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định duy trì GSOMIA “với điều kiện có thể chấm dứt hiệp định này bất cứ lúc nào”. Tạm gác những bất đồng về các vấn đề lịch sử và thương mại với Tokyo cùng với những rủi ro về mặt đối nội, Seoul đã đưa ra một lựa chọn mang tính chiến lược, đó là duy trì sự ổn định của liên minh quân sự ba bên Nhật-Mỹ-Hàn trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang tiềm ẩn những dấu hiệu phức tạp khó lường.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo (phải) và Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine tại lễ ký Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) ở Seoul ngày 23/11/2016. (Ảnh tư liệu do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cung cấp). Ảnh: AFP/TTXVN

Nhật Bản và Hàn Quốc ký GSOMIA ngày 23/11/2016, với mục đích chủ yếu là ứng phó với các các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hiệp định này rất quan trọng bởi nó giúp khắc phục các điểm yếu của hai nước trong việc đối phó với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, các vệ tinh cảnh báo sớm của quân đội Mỹ sẽ nhanh chóng phát hiện ra tên lửa này. Sau đó, Mỹ sẽ chia sẻ các thông tin như địa điểm phóng và quỹ đạo của tên lửa cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). SDF sẽ sử dụng các tàu tuần dương lớp Aegis trên Biển Nhật Bản và các trạm radar trên đất liền để theo dõi tên lửa của Triều Tiên và xác định vị trí rơi cùng với các thông số kỹ thuật của tên lửa. Tuy nhiên, các radar của Nhật Bản không thể phát hiện các tên lửa tầm ngắn hoặc các tên lửa bay với quỹ đạo thấp, và nếu không được tiếp cận dữ liệu radar của quân đội Hàn Quốc, trong một số trường hợp, Tokyo có thể sẽ không xác định được tầm xa, độ cao so với mặt biển hay loại tên lửa được phóng đi.

Ngược lại, các radar của Seoul thường không thể theo dõi các tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Nhờ GSOMIA, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể trao đổi và so sánh các thông tin nhằm dễ dàng đưa ra một bức tranh toàn cảnh chính xác về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nói cách khác, thỏa thuận này phục vụ lợi ích của cả hai nước.

GSOMIA được gia hạn tự động hằng năm, nhưng bất cứ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24/8. Từ năm 2016 đến nay, thỏa thuận này đã được gia hạn hai lần vào các năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, ngày 22/8 vừa qua, giữa lúc căng thẳng Nhật-Hàn leo thang, Hàn Quốc đã quyết định rút khỏi GSOMIA, đồng nghĩa với hiệp định này sẽ hết hạn vào đêm 22/11 giờ Nhật Bản.

Kể từ đó đến nay, Tokyo đã nhiều lần đề nghị Seoul nối lại GSOMIA bởi vì Nhật Bản lo ngại việc chấm dứt hiệp định này có thể gây trở ngại cho khả năng của cả hai nước trong hoạt động giám sát, theo dõi và đánh giá các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên Bên cạnh đó, Tokyo cũng lo ngại quyết định của Hàn Quốc có thể dẫn tới những rạn nứt trong quan hệ đồng minh an ninh chiến lược ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực, theo hướng có lợi cho Triều Tiên và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ chỉ xem xét lại quyết định rút khỏi GSOMIA nếu Nhật Bản hủy bỏ quyết định siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu một số nguyên liệu chiến lược sang Hàn Quốc. Trước đó, ngày 1/7, Chính phủ Nhật Bản đã siết chặt quản lý xuất khẩu ba loại nguyên liệu công nghệ cao, gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu) sang Hàn Quốc vì lý do an ninh. Các biện pháp này đã tác động trực tiếp đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung và LG Electronics.

Mặc dù Tokyo lý giải biện pháp này là cần thiết nhằm ngăn chặn khả năng các vật liệu công nghệ cao được sử dụng vào mục đích quân sự, nhưng Seoul cho rằng đây là hành động trả đũa của Nhật Bản đối với phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu một số công ty Nhật Bản phải đền bù cho những người bị ép phải làm việc cho các công ty này trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên. Các bước đi mang tính “trả đũa qua lại” của Hàn Quốc và Nhật Bản khiến quan hệ giữa hai nước “láng giềng gần” Đông Bắc Á và đều là đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực, chạm tới đáy.

Các nỗ lực gần đây của Tokyo nhằm thuyết phục Seoul nối lại GSOMIA đều thất bại. Đáng chú ý, cuộc gặp đầu tiên giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước sau khi căng thẳng bùng nổ bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Bangkok (Thái Lan) ngày 17/11 không mang lại kết quả. Seoul vẫn duy trì lập trường cứng rắn tại cuộc gặp ba bên sau đó giữa các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc với người đồng cấp Mỹ Mark Esper.

Trước hai cuộc gặp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã có chuyến thăm Hàn Quốc để thuyết phục Seoul nối lại GSOMIA. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với ông Esper hôm 15/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng Seoul khó có thể chia sẻ thông tin tình báo quân sự với một nước (Nhật Bản) coi Hàn Quốc là một đối tác an ninh không đáng tin cậy.

Kết quả thăm dò dư luận Hàn Quốc cũng cho thấy người dân nước này ủng hộ mạnh mẽ việc chấm dứt thỏa thuận trên trong bối cảnh quan hệ song phương với Nhật Bản đang xấu đi. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng đối với Tổng thống Moon Jae-in, việc lật lại quyết định không gia hạn GSOMIA là “hạ sách” trước thềm tổng tuyển cử vào tháng 4/2020.

Lựa chọn của Hàn Quốc tạm thời chưa chấm dứt GSOMIA được cho là do tác động liên tục của Mỹ. Washington đã tỏ thái độ “không buông xuôi” trước khả năng rạn nứt trong liên minh quân sự Nhật-Mỹ-Hàn. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về khả năng suy yếu quan hệ hợp tác an ninh ba bên nếu Hàn Quốc không gia hạn GSOMIA. Quốc hội Mỹ đã “tiếp sức” các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi thông qua nghị quyết khẳng định GSOMIA là “nền tảng của an ninh và quốc phòng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Có vẻ như các sức ép liên tục từ Washington đã khiến Seoul lật lại quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, bản thân Hàn Quốc cũng rất cần GSOMIA, nhất là khi tần suất các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng đã gia tăng trong thời gian gần đây, trong khi quan hệ liên Triều sau những bước cải thiện đáng kể hồi năm ngoái hiện đang trong tình trạng “đóng băng”. Môi trường an ninh khu vực Đông Bắc Á vẫn rất phức tạp và bất ổn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Trên nhiều phương diện, quan hệ đồng minh với Mỹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, và việc để mối quan hệ chiến lược này rạn nứt do những tranh cãi liên quan tới GSOMIA có vẻ không phải là một tính toán khôn ngoan vào thời điểm hiện nay

Sau khi Hàn Quốc thông báo quyết định trên, cả Nhật Bản và Mỹ đều bày tỏ sự hoan nghênh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh Seoul đã đưa ra một quyết định “chiến lược” vào phút chót, xuất phát từ “quan điểm chiến lược” về sự phối hợp ba bên Nhật-Mỹ-Hàn trong vấn đề Triều Tiên.

Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn quan ngại về số phận của GSOMIA vì Seoul có thể chấm dứt thỏa thuận này bất cứ lúc nào nếu cuộc đàm phán về các biện pháp quản lý xuất khẩu ba nguyên liệu công nghệ cao với Nhật Bản thất bại. Trong khi đó, Tokyo vẫn quyết tâm duy trì các biện pháp quản lý xuất khẩu này như một phần trong chiến lược của Nhật Bản nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Moon Jae-in hành động để thay đổi phán quyết của tòa án về vấn đề lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, nói cho cùng thì sự ổn định của quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc là trụ cột cho quan hệ hợp tác ba bên Nhật-Mỹ-Hàn, vốn nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ, bởi vậy chắc chắn Washington không thể ngồi nhìn quan hệ Nhật-Hàn xấu đi đến mức ngoài vòng kiểm soát. Hơn nữa, quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vốn cũng tồn tại nhiều bất đồng, kể cả các vấn đề lịch sử cũng như tranh chấp lãnh thổ, song có vẻ hai bên vẫn tìm cách duy trì những kênh hợp tác nhất định trong những lĩnh vực đem lại lợi ích cho cả hai. Trên thực tế thì cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều bị coi là "kẻ thua cuộc" trong cuộc đối đầu đang diễn ra và cùng chịu thiệt hại kinh tế nặng nề.

Dự kiến, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) đang diễn ra ở Nagoya (Nhật Bản). Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe có thể sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn ở Thành Đô (Trung Quốc) vào tháng tới. Các cuộc gặp này đang được kỳ vọng sẽ giúp gỡ bỏ “các nút thắt” trong quan hệ Nhật-Hàn, qua đó làm dịu tình trạng căng thẳng giữa hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Bắc Á.

Đào Thanh Tùng (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lua-chon-chien-luoc-20191123133350054.htm