Lựa chọn của một số nước Đông Nam Á trong vòng cạnh tranh Trung-Mỹ

Đông Nam Á buộc phải đưa ra lựa chọn phù hợp để tránh bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh không hồi kết giữa hai siêu cường.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington DC, Mỹ. Nguồn: Asia Times

Dưới áp lực của hai gã khổng lồ, các nước Đông Nam Á đã có những lựa chọn khác nhau, tùy thuộc quan điểm chính trị, lợi ích kinh tế và tình hình địa chính trị thế giới.

Cụ thể, một số quốc gia chọn đứng về một bên, trong khi số khác lại kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, đa dạng, không đứng về bên nào và đã đạt thành công nhất định, Asia Times nhận định.

Hiện Campuchia, Lào và Myanmar là những quốc gia đã chọn theo Trung Quốc.

Về phía Thái Lan, những động thái gần đây cho thấy dường như quốc gia này đang dần ngả về phía Trung Quốc, mặc dù nếu nhìn bên ngoài thì chính phủ ông Prayut Chan-o-cha vẫn là một đồng minh của Mỹ. Từ tháng 5/1975 đến nay, Thái Lan đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân U-Tapao và vừa tổ chức chuyến thăm cảng của tàu sân bay USS Nimitz.

Trong khi Singapore chọn theo cả hai bên. Với Trung Quốc, họ vẫn thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung nhằm cải thiện an ninh của eo biển Malacca. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn duy trì mối liên kết quốc phòng với Mỹ với những điều khoản tạo điều kiện cho quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân, hải quân của nước này. Bên cạnh đó, cùng với Malaysia và các đồng minh của Mỹ khác là Australia và Anh, hòn đảo này là thành viên của Thỏa thuận phòng thủ năm cường quốc (FPDA).

Tương tự, Malaysia cũng chọn đường lối chính trị trung lập. Dù đã cùng phối hợp với không quân Australia tại Butterworth giám sát thiết bị quốc phòng của Trung Quốc tại Biển Đông hay cho phép máy bay do thám của Mỹ tiếp nhiên liệu trên lãnh thổ của mình, quốc gia này vẫn cân nhắc mỗi khi đưa ra các quyết định liên quan đến Mỹ-Trung.

Indonesia cũng như vậy, cho đến nay nước này vẫn duy trì lập trường trung lập với hai bên, đáng chú ý là quyết định gần đây từ chối tiếp nhận máy bay do thám của Mỹ.

Đối với Philippines, vì những lợi ích trực tiếp mà quốc gia này nghiêng hẳn về phía Mỹ. Phe chống Trung Quốc và những người theo chủ nghĩa thân Mỹ (Amboys) của giới thượng lưu Philippines đã thuyết phục chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr từ bỏ chính sách cân bằng giữa hai bên của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte và đứng về phía Washington.

Nước này đã củng cố mối quan hệ quân sự với Mỹ bằng các cuộc tập trận chung quy mô lớn ở Biển Đông, thỏa thuận về nguyên tắc thực hiện tuần tra chung, chia sẻ thông tin tình báo về Trung Quốc và gia hạn Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) với sự đồng ý của Mỹ.

Không chỉ vậy, bên cạnh năm địa điểm quân sự cho phép quân đội Mỹ tiếp cận theo EDCA, gần đây Manila đã bổ sung bốn địa điểm mới, trong đó một vài hòn đảo gần Biển Đông. Tuy nhiên, việc này đã khiến Bắc Kinh tức giận vì những nơi này có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo. Để xoa dịu những lo ngại của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Enrique Manalo cho biết: “Philippines sẽ không cho phép Mỹ dự trữ vũ khí phục vụ các chiến dịch ở Đài Loan tại các địa điểm mà quân đội nước này có quyền tiếp cận theo EDCA”. Philippines cũng không cho phép quân đội Mỹ tiếp nhiên liệu, sửa chữa và nạp đạn tại các địa điểm này. Và đúng như dự đoán, Philippines cũng buộc phải xoa dịu Washington. Ngay sau chuyến thăm Manila của tân ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, Tổng thống Marcos đã có chuyến công du đến Washington để thảo luận với Tổng thống Joe Biden.

Hiện tại, Manila đang vô cùng khó khăn trước những động thái cảnh cáo của Bắc Kinh vì lựa chọn của mình, điều này có thể bao gồm cả các đòn trả đũa về kinh đến từ nền kinh tế thứ hai thế giới.

Từ minh chứng của Philippines, các quốc gia Đông Nam Á khác có thể hiểu rõ hơn về những nguy cơ tiềm ẩn nếu nghiêng hẳn về một trong hai bên.

Tùng Lâm (Theo Asia Times)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quoc-te/lua-chon-cua-mot-so-nuoc-dong-nam-a-trong-vong-canh-tranh-trung-my/177188.htm