Lựa chọn của Mỹ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung lithium bên ngoài

Tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil của Mỹ đã thâu tóm một mỏ quặng lithium có trữ lượng khoảng 4 triệu tấn ở miền Nam Arkansas, đủ để trang bị pin cho 50 triệu xe điện.

Mỏ lithium tại Quebec (Canada). Ảnh: Reuters

Tạp chí La Tribune cho biết tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil của Mỹ đã thâu tóm một mỏ quặng lithium có trữ lượng khoảng 4 triệu tấn ở miền Nam Arkansas, đủ để trang bị pin cho 50 triệu xe điện. Khoản đầu tư này sẽ giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu kim loại chiến lược từ bên ngoài. Cụ thể như sau:

ExxonMobil đã quyết định chuyển hướng đầu tư vào khai thác và sản xuất lithium, một trong những kim loại chiến lược rất thiếu yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng tương lai.

ExxonMobil đã mua lại gần 50.000 ha đất ở vùng Smackover, miền Nam Arkansas, từ công ty thăm dò Galvanic Energy, với số tiền 100 triệu USD. Đây là một khoản tiền quá khiêm tốn so với 55,7 tỷ USD lợi nhuận mà tập đoàn này kiếm được trong năm 2022 nhờ giá hydrocarbon tăng cao liên quan đến sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu và các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung của Nga.

Lòng đất Smackover từ lâu đã được biết đến bởi sự phong phú của các loại tài nguyên, nhất là dầu mỏ được khai thác từ những năm 1920. Nhưng sự hiện diện của lithium chỉ mới được biết đến thời gian gần đây. Phát hiện ra kim loại quý của Galvanic Energy sẽ giúp Mỹ có đủ lithium để sản xuất pin cho 50 triệu xe điện, chưa kể cho lĩnh vực điện thoại thông minh và máy tính.

Theo nghiên cứu kỹ thuật của công ty Apex Geoscatics được công bố tháng 7/2022, trữ lượng tài nguyên quặng tại Smackover đạt khoảng 4 triệu tấn tương đương lithium carbonat và 10 triệu tấn bromine nguyên tố vốn cũng là nguyên liệu quan trọng của công nghiệp.

Đối với ExxonMobil, một trong những tập đoàn dầu mỏ lâu đời nhất trên thế giới, vụ thâu tóm này không có nghĩa là thay đổi chiến lược. Trên thực tế, công ty Texas này luôn là một "gã khổng lồ" thế giới trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Được định giá gần 430 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, tập đoàn này không hề có ý định từ bỏ hoạt động khai thác và phân phối các sản phẩm vốn dựa trên doanh số bán các phương tiện chạy bằng động cơ nhiệt. Năm 2022, ExxonMobil đã sản xuất 2,36 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương với 20% sản lượng của Mỹ.

Trong báo cáo về triển vọng năng lượng đến năm 2050, ExxonMobil cũng dự báo nhu cầu dầu mỏ ổn định và nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng trưởng 30%. Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu của các phương tiện cơ giới hạng nhẹ dự kiến sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2025 và giảm xuống mức đã thấy vào đầu những năm 2000. Đây là xu hướng mà tập đoàn này phải tính đến trong chiến lược phát triển của mình, bằng cách dần dần đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động. Và việc mua lại một vùng sản xuất lithium như trên được coi là một cơ hội của "gã khổng lồ" dầu khí này.

Báo cáo của ExxonMobil dự báo đến năm 2050, xe lai (hybrid) và xe điện sẽ chiếm 42% tổng số xe toàn cầu so với vỏn vẹn 1,6% của năm 2021 và sẽ chiếm hơn 50% doanh số bán xe mới. Năm 2022, tại Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), doanh số bán xe điện đã tăng 48% ngay cả khi toàn bộ thị trường ô tô giảm 8%. Theo báo cáo của công ty tư vấn Galvanic Energy, với hơn 760.000 xe điện được bán trên thị trường nội địa năm 2022, Mỹ chiếm 10% thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trên quy mô toàn cầu, thị trường xe điện hiện đang chịu sự thống trị của Trung Quốc, quốc gia liên tục dẫn đầu trong những năm gần đây, đặc biệt là trong phân khúc chạy pin. Tổng thống Joe Biden muốn thu hẹp khoảng cách bằng cách phát triển sản xuất pin và xe điện tại địa phương. Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), trong đó tập trung trợ cấp cho các dự án chuyển đổi năng lượng, sẽ thổi luồng sinh khí mới vào công nghiệp và việc làm ở Mỹ. Nhưng để làm được điều đó, Mỹ chắc chắn cũng cần phát triển ngành nguyên liệu thô.

Trên thực tế, mặc dù nắm giữ hơn 3% trữ lượng lithium của thế giới, nhưng Mỹ hiện chỉ sản xuất 2% nguồn cung hàng năm nhờ một địa điểm duy nhất, đó là Silver Peak ở Nevada. Sau khi trở thành “Thung lũng Silicon của lithium”, khu vực này cũng sẽ chứng kiến sự ra đời của một dự án quy mô lớn khác ở Thacker Pass. Theo Viện nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS), Bộ Năng lượng Mỹ đã chọn 12 dự án sản xuất lithium được trợ cấp với số tiền 1,6 tỷ USD.

Mỹ hiện phụ thuộc chủ yếu vào Chile và Argentina, và phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để thỏa mãn nhu cầu lithium. Năm 2022, Mỹ đã sử dụng 3.000 tấn lithium, tương đương 2,2% trong tổng số 134.000 tấn được tiêu thụ trên toàn thế giới (tăng 41% so với năm 2021), trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tăng sản xuất trong nước cũng có nghĩa là ít phụ thuộc vào biến động giá cả, nhất là khi xu hướng tăng vọt. Bởi vì nếu giá lithium có giảm 50% trong một năm ở thị trường Trung Quốc, thì giá tham chiếu thế giới vẫn tăng gấp đôi so với đầu năm 2021./.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lua-chon-cua-my-nham-giam-phu-thuoc-vao-nguon-cung-lithium-ben-ngoai/292589.html