Lựa chọn hướng tiếp cận công nghệ: Bắt đầu từ nội tại

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, hướng tiếp cận phù hợp đối với các ngân hàng Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ là dành nhiều thời gian cho việc đánh giá năng lực của chính mình hơn là năng lực của đối tác. Bởi khi thấu hiểu nhu cầu của mình, việc đánh giá các giải pháp cụ thể, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu đó sẽ dễ dàng hơn.

Hệ thống LiveBank 24/7 của TPBank đang tiếp tục được mở rộng.

Hệ thống LiveBank 24/7 của TPBank đang tiếp tục được mở rộng.

TPBank sớm được biết tới là “ngân hàng công nghệ”, nhưng dường như hình ảnh này đang bị các nhà băng khác cạnh tranh rất mạnh. Ông có chia sẻ gì về câu chuyện này?

Ngay từ đầu, TPBank đã có định hướng rất rõ ràng về việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào hoạt động của Ngân hàng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank.

Thực tế, trong những năm gần đây, chúng tôi đã đạt được một số dấu ấn trong lĩnh vực ngân hàng số. Điều này không chỉ giúp TPBank khẳng định được thương hiệu của mình, mà còn giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng, cũng như tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho Ngân hàng.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số đang là xu thế, không chỉ trong ngành ngân hàng mà trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) diễn ra mạnh mẽ.

Do vậy, việc có thêm các đối thủ là điều tất yếu. Chúng tôi luôn có sự chuẩn bị và nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, tích cực.

Đầu tiên, việc có thêm nhiều người chơi trong một sân chơi còn mới mẻ và có quy mô lớn này là điều rất thú vị. Chúng tôi cho rằng, cạnh tranh luôn là điều tốt, là động lực để mỗi tổ chức phải tự đổi mới và sáng tạo.

Theo đó, người hưởng lợi lớn nhất chính là khách hàng. Bởi nhờ việc các ngân hàng tích cực đưa ra nhiều sản phẩm số, khách hàng sẽ được tiếp cận với những sản phẩm này dễ dàng, thuận tiện hơn, với chi phí thấp hoặc miễn phí.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái số của Việt Nam còn rất mới mẻ, nhưng đã có sự góp mặt của các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cũng như các công ty công nghệ tài chính (FinTech). Dù vậy, sân chơi vẫn rất rộng và việc có thêm nhiều người chơi sẽ giúp thúc đẩy thị trường số phát triển.

Ngoài ra, điều quyết định cho sự thành công của ngân hàng số hay ngân hàng công nghệ là cần mở rộng hệ sinh thái của mình hoặc có thể tương thích với các hệ sinh thái khác; khách hàng phải thật dễ dàng tiếp cận, trên bất kỳ kênh nào hay nền tảng nào, đặc biệt với dịch vụ thanh toán. Đến nay, chưa hề có một ngân hàng hay công ty FinTech nào có thể độc quyền trong lĩnh vực này, kể cả các thế lực lớn như Alibaba hay Tencent.

Với TPBank, chúng tôi luôn chú trọng cải thiện trải nghiệm khách hàng, đưa ra các giải pháp mới và khác biệt, không ngại thử nghiệm, áp dụng các ý tưởng mới vào thực tế một cách nhanh nhất. Điều này đã tạo nên lợi thế cạnh tranh của Ngân hàng so với các đối thủ.

Đương nhiên, chúng tôi phải có định hướng, chiến lược riêng cho phát triển ngân hàng số, để đảm bảo đi nhanh mà vẫn theo đúng lộ trình và định hướng, tránh việc các sản phẩm dịch vụ được ra đời mà không có tính ứng dụng cao, không hiệu quả hay đầu tư không đúng mức.

Ông nghĩ như thế nào về xu hướng đầu tư công nghệ của các ngân hàng hiện nay trong làn sóng CMCN 4.0? Liệu đây có phải chỉ là động thái phong trào?

Làn sóng CMCN 4.0 thực sự đang có tác động trực tiếp tới ngành ngân hàng. Cụ thể, rất nhiều nhà băng công khai các con số đầu tư vào công nghệ, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Các ngân hàng lớn cũng có những động thái rất rõ nét khi ra mắt một loạt sản phẩm số đa dạng.

Các nhà băng không nên tiếp cận theo hướng “outside - in”, tức là tìm các giải pháp tốt, đắt tiền, đã thành công hay có nhiều khách hàng để đem về đánh giá và áp dụng, mà nên đi theo hướng “inside - out”, tức là tự đánh giá về các nhu cầu, nội lực của mình, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, tính tương thích với cơ sở hạ tầng đang có, từ đó đi tìm các giải pháp phù hợp

Nhìn chung, xu hướng đầu tư của các ngân hàng đang tập trung vào việc tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin và củng cố hạ tầng để có thể sẵn sàng cho kỷ nguyên số.

Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, dữ liệu lớn... cũng bước đầu được áp dụng theo hướng thử nghiệm, vì đây là những công nghệ mới mẻ, trong khi nguồn nhân lực có kiến thức và khả năng xây dựng, vận hành còn rất hạn chế ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đúng là có dấu hiệu của hiệu ứng phong trào. Chẳng hạn, một số trường hợp không tự tìm tòi, nghiên cứu, phát triển mà phó mặc cho các đối tác hoặc chọn đầu tư giải pháp mà chưa chắc đã phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Các ngân hàng hiện đều có sản phẩm, giải pháp từa tựa nhau, chưa thực sự có nhiều sản phẩm đột phá, khác biệt.

Công nghệ vốn là lĩnh vực khó, nhất là ứng dụng trong hoạt động tài chính đầy phức tạp, đòi hỏi sự chính xác và an toàn cao, do đó, nếu không thực sự quyết tâm và kiên trì thì không dễ để thành công.

Để làm chủ được công nghệ trong cuộc CMCN 4.0, cần có sự quan tâm, đầu tư nhằm bổ sung nguồn lực mới (bao gồm con người, hệ thống, hạ tầng), trong đó yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, còn phải đối mặt và vượt qua được các thách thức liên quan đến việc thay đổi quy trình vận hành truyền thống, việc thay đổi tư duy để nhận thức số hóa đến được từng cá nhân trong ngân hàng.

Theo ông, đâu là hướng tiếp cận phù hợp đối với các ngân hàng Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ?

Đi cùng với trào lưu công nghệ là sự ra đời của các nhà cung cấp giải pháp. Tuy nhiên, sẽ không có giải pháp nào là hoàn hảo và tốt nhất, điều quan trọng là tính phù hợp về cả chiến lược, giải pháp, hạ tầng hiện có và mức đầu tư của từng ngân hàng.

Do vậy, các nhà băng không nên tiếp cận theo hướng “outside - in”, tức là tìm các giải pháp tốt, đắt tiền, đã thành công hay có nhiều khách hàng để đem về đánh giá và áp dụng, mà nên đi theo hướng “inside - out”, tức là tự đánh giá về các nhu cầu, nội lực của mình, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, tính tương thích với cơ sở hạ tầng đang có, xây dựng đầu bài và phương án kinh doanh thật kỹ càng, từ đó đi tìm các giải pháp phù hợp.

Bản thân TPBank cũng đã trải qua việc lựa chọn các nhà cung cấp giải pháp và chúng tôi đã dành thời gian nhiều cho việc đánh giá năng lực của chính mình hơn là năng lực của đối tác.

Bởi khi thấu hiểu nhu cầu của mình, việc đánh giá các giải pháp cụ thể, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu đó sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đánh giá những giải pháp đồ sộ, toàn diện và đắt tiền. Chúng tôi cũng phải xem xét kỹ càng để quyết định việc sử dụng nguồn lực nội bộ hay thuê ngoài, từng phần hay toàn bộ dự án.

Việc học tập các ngân hàng có quy mô, chiến lược gần giống với mình ở các thị trường khác, cũng có thể là một lời khuyên tốt cho việc nên bắt đầu lựa chọn giải pháp như thế nào.

Ông có thể chia sẻ thêm câu chuyện ứng dụng công nghệ số của TPBank?

Cũng như nhiều ngân hàng khác, TPBank đang trong lộ trình tái cấu trúc hạ tầng và hệ thống công nghệ để sẵn sàng cho những đổi mới trong kỷ nguyên CMCN 4.0. Song song với việc xây dựng hạ tầng công nghệ, chúng tôi đồng thời ra mắt, phát triển và cải thiện các sản phẩm ngân hàng số mới để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Hệ sinh thái công nghệ ngân hàng số của chúng tôi không hề kém cạnh so với các ngân hàng khác, thậm chí có nhiều giải pháp khác biệt và tân tiến hơn.

Hiện tại, hệ thống LiveBank 24/7 của TPBank đang tiếp tục được mở rộng, có thêm nhiều chức năng mới và chứng minh tính hiệu quả, tạo điều kiện để khách hàng thực hiện mọi loại giao dịch bất kỳ khi nào, đồng thời giúp Ngân hàng tiết giảm khá nhiều chi phí để tiếp cận và phục vụ khách hàng.

Thanh toán số cũng là một trong những mũi nhọn chiến lược của chúng tôi, với sự mắt của hàng loạt các sản phẩm số, cùng việc gây dựng hệ sinh thái cho Ngân hàng.

Chúng tôi đã nghiên cứu và tiên phong trong việc ra mắt ứng dụng thanh toán bằng QR - TPBank Quick Pay. Với TPBank QuickPay, từng cá nhân có thể trở thành một đơn vị chấp nhận thanh toán, với thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng.

Tới đây, ứng dụng này sẽ được tích hợp thêm nhiều tính năng mới để giúp khách hàng có thêm nhiều tiện ích với ngân hàng số. TPBank luôn có tư duy tương đối mở về việc cộng sinh trong hệ sinh thái số… do vậy, việc mở rộng điểm chấp nhận thanh toán và kết nối thanh toán với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hay kết hợp với các công ty FinTech để mở rộng độ phủ của dịch vụ ngân hàng số đến nhiều khách hàng hơn cũng nằm trong lộ trình của chúng tôi.

Ngoài mảng thanh toán, TPBank đang có chiến lược phát triển các sản phẩm số khác dựa trên những thế mạnh của mình để có thể từng bước khẳng định vị thế và chiếm lĩnh thị phần.

Hiện chúng tôi đang tích cực nghiên cứu và đầu tư thích đáng cho việc ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, bigdata, AI và machine learning... để sớm cung cấp các sản phẩm, giải pháp mới ra thị trường.

Không chỉ là sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, TPBank còn số hóa các quy trình nội bộ, giúp rút ngắn thời gian, thủ tục, nâng cao năng suất và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, cũng như chất lượng dịch vụ nội bộ.

Hơn cả, điều chúng tôi mong muốn nhất là hình ảnh và màu sắc thương hiệu của TPBank để lại dấu ấn rõ nét trong tâm trí khách hàng. Đó là hình ảnh của một ngân hàng đậm chất công nghệ, luôn trẻ trung, năng động, tận tâm và thấu hiểu khách hàng.

Hồng Dung thực hiện

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/fin-tech/lua-chon-huong-tiep-can-cong-nghe-bat-dau-tu-noi-tai-247285.html