Lựa chọn khó của Serbia giữa Nga và phương Tây

Dù Serbia được Nga đánh giá cao trong chính sách ngoại giao với Moscow nhưng sẽ rất khó để quốc gia vùng Balkan này chọn Nga hay phương Tây.

Theo Telegraph Serbia, hôm 17/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá cao chính sách ngoại giao của Serbia đồng thời cảnh báo âm mưu biến quốc gia vùng Balkan thành căn cứ chống Nga.

Chính phủ Serbia cũng phải chịu sức ép từ phương Tây buộc phải ngừng hợp tác với Nga, ông cũng cho biết Moscow đánh giá cao chính sách ngoại giao đa phương mà Serbia đang theo đuổi. Điều này phù hợp với lợi ích cơ bản của người dân Serbia.

Nga đã viện trợ cho Serbia phi đội 6 chiếc MiG-29.

Ngoại trưởng Nga chỉ rõ, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc các nước phương Tây đã tạo ra chia rẽ trên lục địa châu Âu, mở rộng phạm vi chính trị phương Tây. Ông Lavrov dẫn chứng, như năm 1999, phương Tây chà đạp luật pháp quốc tế, ném bom Nam Tư, công nhận một Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập.

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng, năm 2014 Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã đạo diễn cuộc đảo chính vũ trang ở Ukraine, biến nước này từ một quốc gia phồn vinh phải rơi vào cảnh nội chiến kéo dài. Đó là một ví dụ tiêu cực về chính sách bảo thủ chống Nga của phương Tây. Song các nước phương Tây không hề rút ra được bài học kinh nghiệm nào.

Được biết, hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu Hoyt Brian Yee tuyên bố Serbia "không thể ngồi cùng một lúc trên hai cái ghế". Lời của ông Yee gây chỉ trích mạnh từ Serbia.

Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic ngày 2/11 nói nước này sẽ duy trì quan hệ cân bằng với phương Tây, Nga và Trung Quốc. "Điều chúng tôi không muốn thấy là ai đó kéo mất ghế mình đang ngồi... Điều quan trọng là phải xem xét đến quyền lợi tốt nhất của chúng tôi", ông Dacic nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

Serbia đã gặt hái được nhiều lợi ích khi chơi cả hai mặt. Các đối tác thương mại chính của họ là Đức, Ý, Nga và Trung Quốc. Áo, Hy Lạp và Mỹ đổ hàng tỷ USD vào đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Serbia, trong khi Nga vẫn là nguồn cung hàng đầu cho dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Trung Quốc đã biến Serbia trở thành trung tâm của sáng kiến kinh tế "Một vành đai, một con đường" vì Serbia là điểm liên kết quan trọng giữa Bắc Kinh và châu Âu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP của Serbia tăng từ 6,5 tỷ USD năm 2000 lên 38 tỷ USD trong năm 2017. Tách ra sau khi Cộng hòa Liên bang Nam Tư sụp đổ thập niên 1990, Serbia có quan hệ gần gũi tự nhiên với Nga, tuy nhiên cũng rất mong muốn gia nhập liên minh châu Âu (EU).

EU là đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn nhất của Serbia, nhưng Nga lại kiểm soát cung cấp dầu khí cho Serbia. Không chỉ EU, Nga cũng muốn tăng cường quan hệ quân sự với Serbia. Gần đây Nga cung cấp cho Serbia 6 máy bay chiến đấu MiG-29.

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008, sau cuộc chiến tranh 1998-1999. Quốc gia độc lập Kosovo được 115 nước công nhận, trong đó có Mỹ và phần lớn nước EU nhưng theo yêu cầu của Serbia, Nga đã không công nhận.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/lua-chon-kho-cua-serbia-giua-nga-va-phuong-tay-3369450/