Lựa chọn ngành nghề nào để học xong có việc làm ngay?

Các ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam về công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí, du lịch dịch vụ… đang là lĩnh vực cần nhiều nhân lực trong thời gian tới.

Nhiều học sinh xác định rõ hơn định hướng nghề nghiệp tương lai

Nhiều học sinh xác định rõ hơn định hướng nghề nghiệp tương lai

Việc lựa chọn học ngành nghề nào đang được bạn trẻ đắn đo suy nghĩ, lựa chọn sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn và thông tin cảnh báo thị trường lao động luôn có hàng ngàn cử nhân thất nghiệp. Bên cạnh đó là sự thay đổi của thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng khiến việc chọn nghề khó khăn hơn.

Không ít học sinh vẫn đang loay hoay trong việc tìm trường, chọn ngành do không đỗ trong đợt xét tuyển lần 1. Trong số đó, không ít học sinh có nguyện vọng muốn học trường nghề để có việc làm sau khi ra trường nhưng.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân, học nghề gì, ở đâu để sau này có việc làm là câu hỏi đang được giới trẻ và phụ huynh rất quan tâm.

Thông tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam cho thấy rõ thực trạng không phải cứ học đại học là có được một công việc tốt; thậm chí học đại học xong vẫn thất nghiệp là một thực trạng khá phổ biến. Để đảm bảo đầu ra sau quá trình học, người học cần có nhận thức đúng đắn về các ngành học và nhu cầu thị trường.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết, trong những năm gần đây và thời gian tới, các ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam chủ yếu thuộc về các nhóm ngành như: Công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; ngoại ngữ; du lịch, khách sạn, nhà hàng; dịch vụ thẩm mỹ; điều dưỡng – hộ sinh.

Từ phân tích nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại các sàn giao dịch việc làm, cụ thể một số ngành, nghề đang là xu hướng trong thời gian tới như: Công nghệ thông tin; marketing; quan hệ công chúng; tiếng Anh, Nhật, Đức, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng, khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, điện tử công nghiệp, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, cơ điện tử, thiết kế đồ họa, điều dưỡng, hộ sinh, chăm sóc sắc đẹp, lLập trình viên, các ngành, nghề thuộc lĩnh vực hàng không (Lái máy bay, tiếp viên hàng không...).

Để chọn trường nghề sao cho phù hợp, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, việc lựa chọn học ở đâu cũng là một vấn đề phụ huynh và học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh trường hợp các trường quảng cáo, marketing quá đà so với năng lực thực tế. Căn cứ vào nhóm ngành, nghề xã hội có nhu cầu cao, phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu xem trường nào đang đào tạo, thông tin về nhà trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, website để từ đó chọn trường cho chính xác.

Còn theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Serach (đơn vị tuyển dụng nhân lực), thực tế trên thị trường lao động các năm qua, nhiều bạn trẻ có bằng cử nhân nhưng chưa chắc đã xin được việc và vẫn có khả năng thất nghiệp. Điều mà các nhà tuyển dụng quan tâm không phải là bằng cấp mà là năng lực làm việc thực tế của ứng viên.

Hiện nay xu hướng trên thế giới tại nhiều quốc gia đã chuyển qua các mô hình giáo dục chú trọng vào đào tạo nghề và học nghề, bởi những lợi ích thiết thực mà mô hình này đem lại.

“Chương trình đào tạo nghề thường phù hợp và sát với thực tiễn nên khi sinh viên tốt nghiệp đã có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, ở trường nghề các em vừa được học và thực hành trong môi trường làm việc đúng theo chuyên ngành. Hiện khá nhiều trường nghề đã thực hiện cam kết đầu ra cho sinh viên, do đó, người học được đảm bảo việc làm sau khi ra trường.

Đối với nhu cầu thị trường thời gian gần đây, Navigos đã nhận được những chỉ thị rất thẳng thắn của một số nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị những dự án khá lớn ở Việt Nam trong việc lựa chọn tuyển nhân viên tốt nghiệp trường nghề hoặc cao đẳng mà không phải là tốt nghiệp đại học.

Theo thông tin gần đây nhất và theo tôi là một tín hiệu khởi sắc đối với các trường học nghề là mùa tuyển sinh năm nay nhiều thí sinh có điểm tốt nghiệp cao (từ 19 điểm trở lên) cũng lựa chọn nộp đơn vào các trường nghề.

“Điều này cho thấy sự thay đổi lớn trong quan điểm của các bậc phụ huynh và các em học sinh về học nghề”, bà Phương Mai cho biết.

XC/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/lua-chon-nganh-nghe-nao-de-hoc-xong-co-viec-lam-ngay-20180826223018884.htm