Lựa chọn nghề: 3 yếu tố quan trọng

Theo Tiến sĩ Trần Văn Tính – Trường Đại học giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), 3 yếu tố quan trọng đối với một nghề chuyên nghiệp, đó là: Phát huy tối đa năng lực cá nhân, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phải công nghệ hóa.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Thời gian qua, Đảng và nhà nước đã xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, đề án, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Định hướng nghề nghiệp theo năng lực cá nhân, nhu cầu thị trường

Tuy nhiên, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với thanh niên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức của một bộ phận thanh niên và xã hội về đào tạo nghề, tạo việc làm, nghề nghiệp chưa đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên còn nhiều hạn chế; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên có xu hướng tăng; chất lượng việc làm chưa cao, năng suất lao động thấp.

Tại Tọa đàm “Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học năm 2019”, Tiến sĩ Trần Văn Tính cho rằng, để tránh tình trạng một số sinh viên sau khi ra trường chưa tìm được việc làm ổn định, trước hết, học sinh, phụ huynh cần phải có định hướng nghề nghiệp cụ thể. Đặc biệt, xem nghề đó có phát huy tối đa năng lực cá nhân, hay có đáp ứng nhu cầu của thị trường và công nghệ hóa hay không? Thực tế, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ có những nghề mới xuất hiện theo xu hướng của xã hội như: Quảng bá sản phẩm, bán hàng online, môi giới chứng khoán, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi, tổ chức sự kiện, làm đẹp, công nghệ ôtô… đây là những nghề mà xã hội cần và có nhu cầu cao và khó thất nghiệp.

Tư vấn cho các thí sinh, Tiến sĩ Trần Văn Tính còn lưu ý, khi chọn nghề, trước hết phải hiểu chính mình. Sau đó, đến các yếu tố như yêu cầu điểm thi, năng lực trí tuệ người lao động mà nghề đó yêu cầu, tính cách, sức khỏe và sự đam mê…

Chủ động nâng cao trình độ

Ông Nguyễn Thế Hà - Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia dịch vụ việc làm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, an ninh… Cụ thể, tác động đến số lượng, chất lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng.

“Điều này sẽ làm thay đổi bản chất của việc làm, sẽ làm một số công việc biến mất nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới như taxi công nghệ. Thậm chí, không phải là những công việc nặng nhọc mà cả những công việc đòi hỏi chuyên môn cao như luật sư, các nhà phân tích tài chính, bác sĩ, nhà báo, kế toán… có thể được tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn.” - ông Nguyễn Thế Hà chia sẻ thêm.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - trách nhiệm, vai trò đầu tiên là của nhà nước, phải định hướng, xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu hướng 4.0. Về phía doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải tự nghiên cứu để chuẩn bị nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ cho người lao động tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới. Đặc biệt, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo giáo dục, nghề nghiệp cần có sự “bắt tay” với nhau để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về phía người lao động, nhất là những thanh niên trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp cần học tập, nâng cao trình độ, lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng để làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và công nghệ hóa hiện nay.

Hiện nay, việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT chưa hiệu quả... Để giải quyết việc làm cho thanh niên, cần đẩy mạnh kết nối giữa đào tạo và thị trường lao động.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lua-chon-nghe-3-yeu-to-quan-trong-112749.html