Lựa chọn thuốc trị viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng là bệnh thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Đỉnh điểm hoành hành của bệnh thường rơi vào tháng 4, 5, 6 và 7, bởi lẽ các dị nguyên như phấn hoa, bụi cỏ, nấm mốc sẽ đạt đậm độ cao nhất trong môi trường.

Mặc dù đây là bệnh dị ứng nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng nếu không điều trị đúng thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Biểu hiện của viêm kết mạc dị ứng

Có nhiều thể viêm kết mạc dị ứng bao gồm: viêm kết mạc theo mùa, viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc cơ địa, viêm kết mạc có nhú khổng lổ. Thể viêm kết mạc theo mùa là thể hay gặp nhất và có xu hướng tiến triển thành viêm kết mạc quanh năm, mạn tính. Bệnh viêm kết mạc dị ứng thường đi kèm với bệnh khô mắt. Biểu hiện của viêm kết mạc dị ứng là: nhìn mờ, mắt khô rát, khó mở mắt buổi sáng, chảy nước mắt, ra gỉ mắt nhiều, mắt bị ngứa, sợ ánh sáng. Điều đáng ngại là bệnh nhân mắc bệnh thường ngứa mắt không chịu nổi, bắt buộc phải day, dụi hoặc gãi... nên dễ dẫn đến tổn thương.

Dùng thuốc nào?

Việc điều trị viêm kết mạc dị ứng chỉ có thể điều trị triệu chứng và giúp bệnh nhân dễ chịu hơn chứ không giải quyết được nguồn gốc gây bệnh. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê các loại thuốc kháng histamin (chống dị ứng) kết hợp với nước mắt nhân tạo, các sản phẩm bôi trơn bề mặt nhãn cầu để vừa giúp điều trị dị ứng, vừa chống khô mắt. Sau giai đoạn điều trị viêm cấp tính, người bệnh phải duy trì loại thuốc chống dị ứng.

Có nhiều loại thuốc chống dị ứng trên thị trường, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn dùng cho bệnh nhân. Khi bị tái phát bệnh, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng lại đơn thuốc cũ. Bệnh nhân cần lưu ý cố gắng hạn chế dụi mắt, việc dụi mắt sẽ làm các tế bào mast bị vỡ từ đó gây phóng thích histamin làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Nếu bệnh nhân có đeo kính áp tròng thì nên giảm hoặc ngưng sử dụng kính áp tròng trong thời gian điều trị vì các chất gây dị ứng có thể bám trên bề mặt của kính.

Để bớt triệu chứng ngứa và sưng, có thể dùng gạc lạnh, chườm lạnh (gạc lạnh, túi nước đá) có thể giúp làm giảm phù ở mí mắt và xung quanh mắt. Sử dụng nước mắt nhân tạo sẽ giúp làm loãng và loại bỏ các tác nhân gây dị ứng.

Thuốc điều trị tại chỗ: Thuốc nhỏ mắt kết hợp thuốc chống co thắt và thuốc kháng histamin (naphazoline, pheniramine), dùng trong các trường hợp cấp tính. Khi dùng cần có sự đồng ý và tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Thuốc kháng histamin nhỏ mắt giúp ổn định tế bào mast (olopatadine, alcaftadine, azelastine hydrochloride, epinastine, ketotifen fumarate emedastine.

Điều trị toàn thân: Trong điều trị, việc ổn định các triệu chứng ở mắt là vấn đề chính cần được quan tâm. Ngoài các loại thuốc tại chỗ được ưa chuộng vì hiệu quả nhanh và ít gây tác dụng phụ toàn thân, thì các kháng histamin đường uống có thể được chỉ định trong một số trường hợp. Tuy nhiên, thuốc kháng histamin đường uống lại có thể gây ra tình trạng khô lớp màng niêm mạc mắt và giảm sản xuất nước mắt ở một số bệnh nhân. Đặc biệt là ở những bệnh nhân đang có tình trạng khô mắt. Đó chính là lý do mà kháng histamin đường uống ít khi được chỉ định. Thường các thuốc đường uống chỉ được chỉ định khi bệnh nhân có kèm thêm các bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng...

Lưu ý đặc biệt

Đối với bệnh nhân vừa phải sử dụng thuốc kháng histamin nhỏ mắt và nước mắt nhân tạo, nên sử dụng cách nhau khoảng 3 - 5 phút. Ngoài ra, sau khi nhỏ mắt nên nhắm mắt lại một vài giây để thuốc thấm vào mô tốt hơn. Không nên chớp mắt liên tục vì như vậy sẽ tạo áp lực âm và khiến thuốc bị rửa trôi (đẩy ra) khỏi bề mặt mắt nhanh hơn, trước khi kịp thấm vào mô, hiệu quả của thuốc sẽ bị giảm.

Khi dùng thuốc không có kiểm soát lại gây ra nhiều nguy hiểm cho mắt, đặc biệt là khi bệnh nhân tự ý dùng thuốc có chứa corticoid. Các sản phẩm có corticoid không nên dùng liên tục hay kéo dài. Bởi khi dùng kéo dài thì có thể gây bệnh glôcôm do corticoid, đục thể thủy tinh, nhiễm khuẩn cơ hội hay phối hợp. Điều trị viêm kết mạc dị ứng không phải chỉ dựa vào việc dùng thuốc mà phải cần giải pháp tổng thể, kiên trì và tốn kém... Đòi hỏi bệnh nhân tuân thủ việc dùng thuốc và các giải pháp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng bệnh, những người có yếu tố nguy cơ cao cần tránh tiếp xúc với dị nguyên; thường xuyên đeo kính bảo vệ mắt; vệ sinh mắt, vệ sinh cá nhân tốt; ngừng thói quen day dụi mắt; thận trọng khi dùng hóa chất, mỹ phẩm; không lạm dụng kính áp tròng.

DS. Nguyễn Minh Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lua-chon-thuoc-tri-viem-ket-mac-di-ung-n156509.html