Lúa mì nhập khẩu có cỏ cirsium arvense: cấm hay không cấm?

Cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) đã cùng ngồi lại nêu quan điểm tại Tọa đàm 'Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt' diễn ra chiều nay (5/10) tại Hà Nội. Có những ý kiến trái chiều về việc 'cấm hay không cấm' nhập khẩu lúa mì có chứa cỏ cirsium arvense vào Việt Nam.

Việt Nam sản xuất được lúa mì nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng được thị trường. Hiện, Việt Nam đã sản xuất được lúa mì ở một số tỉnh phía Bắc nhưng sản lượng lúa mì chưa cao, chưa đáng kể. Do đó, các DN đã nhập khẩu lúa mì để làm thực phẩm cho con người, cũng như thức ăn trong chăn nuôi. Ngoài ra, hiện tại, một số DN cũng nhập khẩu lúa mì để sản xuất ra các loại lương thực thực phẩm khác, nhằm tiêu thụ ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2018, khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu là 3,13 triệu tấn, tương ứng 743 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Những nguồn cung cấp lúa mì lớn là Mỹ, Nga, Úc, Canada... Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong thị trường nội địa, chúng ta xuất trở lại vào các nước trong khu vực ASEAN dưới dạng bột mì cho giá trị tốt.

Tuy nhiên, từ lần đầu phát hiện cỏ “cirsium arvense” có trong lúa mì nhập khẩu, đã có những quan điểm khác nhau, thậm chí tranh cãi về việc chấp nhận cho lúa mì có cỏ này được nhập hay không được nhập vào Việt Nam. Vậy loại cỏ này là loại cỏ gì, liệu có độc hại hay không? Liệu có cần thiết buộc phải tái xuất? Làm sao để ngành lúa mì phát triển bền vững?

Ở góc độ của nhà nghiên cứu, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nêu quan điểm: “Tôi tìm tài liệu về loại cỏ này thì rất hiếm, chỉ có một chút thông tin nhỏ trong đó có nói về việc loại cỏ này có nhiều chất độc, đặc biệt là nhựa tiết ra từ hạt của chúng. Tuy nhiên, độc tố trong hạt không lớn."

Ông Hùng cũng đặt câu hỏi ở Việt Nam mình đã có sự cố nào chưa? Đã phát hiện mọc ở chỗ nào chưa? Và đã thực sự ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp chưa? Thì chúng ta phải xác định rõ vấn đề này, và tỷ lệ lẫn đến ngưỡng nào. Chúng ta cũng cần lý giải tại sao các nước khác vẫn nhập được mà mình lại không. Do vậy chúng ta nên có lý giải hợp lý để các DN cùng đồng hành với các cơ quan quản lý tìm cách tháo gỡ.

Trả lời về vấn đề này, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Lê Sơn Hà nhấn mạnh: Nếu tìm hiểu về loại cỏ này bằng tiếng Việt sẽ rất khó để có thông tin chính xác, nhưng nếu tìm bằng tiếng Anh thì ra hàng nghìn kết quả. Điều đó chứng tỏ các quốc gia trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm về loại cỏ này. Và loại cỏ này chưa hề có tại Việt Nam. Chứ khi đã có thì lại thành loại cỏ thông thường và rất khó để cấm.

Và việc cấm loại cỏ này không phải vì có chúng có chứa độc tố gây nguy cơ ngộ độc mà là có khả năng nguy hại tới môi trường. Vì vậy, nếu chúng ta không kiểm dịch chặt chẽ thì việc loại cỏ này về Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

“Quan điểm của Cục Bảo vệ Thực vật, lý do để cấm loại cỏ này là vì chúng có nguy cơ gây hại tới môi trường và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp nên đề xuất cấm để chúng không thể xâm nhập vào Việt Nam”, ông Hà nhấn mạnh.

Giải pháp đối với các DN, theo ông Hà đưa ra đó là các thay đổi nguồn nhập khẩu như: Brazil, Kazakstan… Việc thay đổi nguồn hàng nhập khẩu có thể khiến DN thay đổi và thiệt hại ít nhiều, nhưng để làm sạch, chúng ta không thể không tính toán tới điều này.

Ông Phan Thanh Hiếu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bột mì Bình An nói về lệnh cấm nhập lúa mì nhiễm cỏ cirsium arvense (hạt ké đồng) - cho hay: Công ty chúng tôi đang nhập lúa mì từ Nga đồng thời đang xử lý theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật và thực tế có hiệu quả. Chúng tôi hoàn toàn tách được hạt bông cỏ rất tốt. Tuy nhiên, nếu ngay bây giờ chúng ta thực hiện ngay việc cấm nhập lúa mì nhiễm cỏ dại thì các DN sẽ không thể tìm được nguồn nguyên liệu thay thế kịp thời. Vì nhu cầu bột mì đang rất cao, việc thực hiện lệnh cấm ngay chắc chắn sẽ dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng kiến nghị, Cục Bảo vệ Thực vật có thể giãn quy định để cho DN tìm mới thị trường, giải pháp.

Trước các kiến nghị của DN và chuyên gia, ông Hà cho hay, DN có nhiều lựa chọn. DN nhập khẩu phải nêu rõ trong hợp đồng ràng buộc, yêu cầu DN nước ngoài phải làm sạch, trước khi xuất khẩu hàng sang Việt Nam. Chúng ta cũng hoàn toàn có nguồn sạch để chúng ta nhận, đương nhiên sẽ nảy sinh những vấn đề về giá cả, nhưng việc này sẽ mang lại lợi ích lâu dài không chỉ cho DN, mà cho cả người tiêu dùng tại Việt Nam.

Cấm lúa mì nhập khẩu có cỏ “cirsium arvense” vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Theo các chuyên gia, cấm là việc đơn giản, làm sao để giảm thiểu thiệt hại của cộng đồng DN trong nước, của người dân lao động mới là vấn đề quan trọng.

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật:

Cirsium arvense là một loài thực vật thuộc chi Cirsium trong họ Cúc, bản địa khắp châu Âu và phía Bắc châu Á. Loại cỏ này là đối tượng cấm của nhiều nước như Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Aghentina, Braxin, bởi khi chúng xuất hiện sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với môi trường, đất đai trồng trọt. Nhiều nước đã tốn kém để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của loại cỏ này.

Dùng thuốc trừ cỏ không trừ được triệt để Cirsium vì chúng phát triển cả từ gốc, từ thân. Loại cỏ này vào nước ta khi lây lan sẽ khiến nhiều loại lương thực chúng ta có khả năng bị cấm xuất khẩu. Chính vấn đề này đặt ra trách nhiệm cho ngành kiểm dịch thực phẩm phải kiểm định, kiểm tra, không cho loại cỏ này xuất hiện và phát tán tại Việt Nam.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/lua-mi-nhap-khau-co-co-cirsium-arvense-cam-hay-khong-cam-14344.html