Lụa Pù Luông

Đó là địa chỉ du lịch sinh thái tuyệt vời mà đám bạn già và con trẻ chúng tôi vừa đi. Cũng là tên cô chủ ở đây, Nguyễn Thị Lụa.

Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên ở huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), thành lập năm 1999, cách Hà Nội 4 giờ lái xe. Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Núi đá, ruộng bậc thang, cây cỏ và cuộc sống của bà con người Thái ở đây còn rất tự nhiên, hiền hòa, dễ thương.

Khu nhà nghỉ của Lụa nhìn từ xa.

Khu nhà nghỉ của Lụa nhìn từ xa.

Đã xuất hiện nhiều resort, phòng trọ kiểu nhà sàn và dịch vụ du lịch sinh thái ở đây nhưng địa chỉ Lụa Pù Luông là nơi chúng tôi lựa chọn. Nằm trong thung lũng nhỏ xanh tươi. Trước mặt là núi xanh luôn bao bọc bởi mây. Con đường nhỏ dẫn vào bản. Ruộng bậc thang xanh mướt. Dãy nhà sàn làm bằng gỗ chọn lọc còn nguyên thủy và tre lồ ồ. Nóc lợp lá gồi. Tên mỗi nhà sàn được đặt rất dân dã: nhà Mít, nhà Soan… Nhà khách lớn để ai muốn đến uống nước, ăn sáng, ăn trưa, tán gẫu có view thật mộng mơ với hàng cau nhỏ cao vút… Hoa rừng luôn có trong phòng ngủ, phòng tắm. Khoái nhất và yên tâm là nhà tắm to, có bồn, lúc nào cũng có nước nóng. Wifi thì mạnh và không hề tắc nghẽn.

Từ phòng khách nhìn ra.

Từ phòng khách nhìn ra.

Nhưng yêu nhất, mến nhất, thích nhất có lẽ là Lụa. Vốn là kỹ sư giao thông, quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Lụa lên đây chơi và bị cảnh và người ở đây níu lại. Lụa học thêm Đại học Ngoại thương, quyết tạm xa phố thị, ồn ã, tù túng ở một chung cư Hà Nội để về bản. Cô tự thiết kế khu bungalow. Xin điện 3 pha. Tìm nguồn nước. Làm cả bể bơi. Rất tiện nghi và hài hòa. Vẫn giữ nguyên nhà của người Thái.

Những người phục vụ đều là người bản địa. Lụa dạy họ nấu ăn. Toàn cây nhà lá vườn mà cực ngon: vịt, gà, cá nướng. Gạo nương, cá dưới ao, rau ngoài vườn, nộm hoa chuối rừng. Nước chanh, cam, quả ô khốt của người Thái. Lụa đọc sách, đi đây đi đó học. Lái xe. Học gì, làm gì vẫn giữ chất quê “Ba mẹ em đều là nông dân”.

Lụa quan niệm làm về làm du lịch: "Em muốn nâng cao chất lượng, không làm nhiều”.

Lụa quan niệm làm về làm du lịch: "Em muốn nâng cao chất lượng, không làm nhiều”.

Xem cách sống của Lụa biết cô yêu vùng đồi núi này vô cùng. Đất ở đây trên 4.000 m2 có thể làm nhiều nhà nhưng Lụa chỉ làm 6 bungalow và 4 phòng trên nhà khách. Cô vừa là chủ, vừa là nhân viên, vừa sống cùng khách. Tự lái xe, lội nước, chụp hình cho khách. “Em muốn nâng cao chất lượng, không làm nhiều”.

Nhiều hôm Lụa đốt lửa nướng ngô bánh tới khuya cùng khách. Học được khách nhiều nhưng cũng sẵn sàng từ chối nếu khách không có văn hóa. Lụa sống hòa đồng với cả đồng nghiệp ở bản bên. Nhiều hãng khách ở bản Đôn, bản Leo đến đặt cơm Lụa. Sáng cô dậy quay video mây trên núi, quay hoa, lúa, chim. Quay cả trời mưa sấm chớp. Cô đem hai con chó dưới nhà lên đặt tên là Ngô, Thóc. Lũ chó hiền luôn quấn chân khách. Biết tiễn khách về.

Bữa cơm đặc biệt tại Pù Luông.

Bữa cơm đặc biệt tại Pù Luông.

Nơi đây vừa là điểm du lịch vừa là nhà của gia đình Lụa. Ngày nghỉ dài, Tết, chồng và hai con Lụa rất thích đến đây. Họ rất ủng hộ đam mê của Lụa. Trên trang Lua Puluong, rất nhiều khách ghi lại: “Lụa chiều khách nhất quả đất…”. “Món ngon nhất Việt Nam mà tôi được ăn…”.

Lụa ghi trong Facebook của mình: “Điều không quan trọng là anh đi được nhiều hay ít mà là ai đi cùng. Em mong cả khách và chủ đều có văn hóa. Mong du lịch lên để đời sống bà con dân bản đỡ vất vả”.

Đến bản Đôn, bản bên cạnh Pù Luông, thấy người Sài Gòn, Hà Nội lên đây làm du lịch cũng nhiều. Chuyên nghiệp hơn, rẻ hơn nhưng đông đảo khách vẫn chọn Lụa Pù Luông. Ở đây hiện đại nhưng vẫn chân quê, có nét rất riêng nhẹ nhàng ấm cúng. Đoàn chúng tôi cũng vậy. 14 người, cả già và trẻ. Chưa thấy ai nhiệt tình, chu đáo và đầy văn hóa du lịch như Lụa.

Đoàn du lịch của bốn gia đình.

Đoàn du lịch của bốn gia đình.

Lụa đưa khách thăm cọn nước thủ công.

Lụa đưa khách thăm cọn nước thủ công.

Quanh Pù Luông có cả một quần thể du lịch để khách tìm đến: Nhà máy Đường Lam Sơn, nơi có tượng đức Lê Lợi cao nhất nước. Rừng Quốc gia Cúc Phương, suối Cá Thần Cẩm Lương, thành nhà Hồ… Thuê xe, đặt hàng, chọn nơi muốn đến, nhờ Lụa chỉ dẫn, bao giờ cũng là hợp lý nhất.

Trên đường ra sân bay Thọ Xuân để về Sài Gòn, Lụa bảo chúng tôi ghé qua suối Cá Thần và Lụa cũng lái xe đi cùng. Lụa xắn quần lội suối chụp hình cho cặp vợ chồng có con nhỏ. Buổi trưa cả đoàn ăn hàng theo chỉ dẫn của Lụa tại quán ven đường với 4 món cực ngon cho 14 người mà chỉ mất 1,5 triệu đồng. Có hai cô bạn bận việc 10 giờ đêm máy bay mới tới Thanh Hóa, Lụa đặt xe 12 giờ đêm đón khách về vì biết khách có một gia đình có em bé đi cùng.

Tuổi 80 từ Sài Gòn ra Hội An. Đi Bà Nà (Đà Nẵng), ra Hà Nội rồi về đây. Lội nước, leo đồi nhưng thấy cảnh thấy người ở đây và được gặp Lụa, bỗng thấy khỏe hơn, yêu đời, thanh thản, thấy trẻ ra.

Yêu Lụa Pù Luông lắm. Ước gì du lịch có nhiều Lụa Pù Luông.

Bài và ảnh: Tô Minh Nguyệt

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lua-pu-luong-28262.html