Luận bàn về khái niệm 'vợ - chồng'

Quan hệ giữa chồng vợ như thế nào để gia đình luôn hạnh phúc? Chà, với câu hỏi này, cho dù có tổ chức hàng trăm cuộc tọa đàm, hàng ngàn hội thảo, trao đổi kinh nghiệm đi chăng nữa, e cũng khó có câu trả lời dứt khoát. Đúng thế.Có những kinh nghiệm nếu áp dụng đôi lứa này có thể hóa giải vấn đề ngay lập tức nhưng với cặp đôi kia thì chẳng ép-phê gì… Dù biết thế, nhưng tôi cũng mạnh dạn kể bàn về chuyện này. Trước hết, tôi nghĩ rằng, cách khôn ngoan, khôn khéo nhất vẫn là đừng bao giờ nghĩ rằng, chàng/ nàng đang chung sống với mình đã là… chồng/vợ. Nghe trái tai chưa?

Minh họa: MINH SƠN

Minh họa: MINH SƠN

Vâng, thì cứ cho là thế.

Một khi đã đặt ra khái niệm “vợ - chồng” ắt dẫn theo những trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ cụ thể. Chẳng hạn, có nhiều gia đình quy định rạch ròi, chồng gánh việc lớn/ vợ lo việc nhỏ. Cuối cùng, chung sống từ năm này qua tháng nọ, họ chẳng hề thấy việc gì lớn cả. Chỉ toàn việc nhỏ. Nhỏ cỡ như đưa đón con đi học, lo việc bếp núc, chợ búa cơm nước - chỉ là chuyện lặt vặt. Không đáng kể. Hà cớ gì người chồng phải “ra tay”?

Dù cùng dành hết thời gian cho công việc ra xã hội kiếm sống nhưng rồi lúc về nhà, ai sẽ là người trước nhất có trách nhiệm quán xuyến nhà cửa? Với những câu hỏi này, khi dò hỏi các bạn bè đang làm chồng, đang đóng vai trò “trụ cột” trong nhà, lại nghe câu trả lời: “Ôi dào, việc nhỏ. Tớ chỉ lo những việc lớn”. Thế nào là việc lớn? Khó có câu trả lời dứt khoát.

Thế thì, một khi khái niệm “vợ - chồng” được đặt ra, cả vợ lẫn chồng đều chấp nhận và không gì phân bua hơn thiệt. Và họ thực hiện như một sự phân công rạch ròi. Mà cũng từ sự phân công đó, với trách nhiệm cụ thể đó, quy định rành mạch đó, do đó, khi “gặp chuyện” ắt có nguy cơ trở thành “to chuyện”.

Rằng, bấy lâu nay việc “tay hòm chìa khóa” thuộc về người vợ, ngày kia, nhân chuyện cần, người chồng hỏi đến một số tiền thì mới hay trong tủ không còn xu teng nào. Tiền đi đâu? Cô vợ mới sụt sùi cho biết do cậu em trai thiếu nợ vì làm ăn thua lỗ nên đã cho mượn. “Có đòi ngay được không?”, người chồng hỏi. Một tiếng khóc rấm rức vọng lên nhằm truyền đạt “thông điệp” não nùng: cậu em vợ đã “mất khả năng chi trả”.

Chuyện gì xảy ra?

Với suy nghĩ thông thường trong quan niệm vợ-chồng, người chồng hoàn toàn “thắng thế” qua trường hợp cụ thể này. Của chồng công vợ. Lẽ đời là vậy. Thế nhưng, vợ không thèm hỏi chồng một câu, tự tung tự tác để rồi cả hai phải đối mặt với một tình huống oái oăm, khó gỡ. Vậy nên, người chồng có quyền chỉ trích, phê phán? Tất nhiên. Sau những gây gỗ ấy, tình hình sẽ tồi tệ hơn là cái chắc.

Thế nhưng, khi rơi vào trường hợp này, anh chàng này, chỉ xem vợ như… cô em gái. Nhờ thế, cách giải quyết bao dung hơn mà cũng ổn thỏa hơn. “Chuyện đã thế, cứ xem cô ấy như cô em út bé bỏng mà mình phải yêu thương và dạy dỗ chu đáo hơn để lần sau không tái phạm”, có người tâm tình. Nếu lúc ấy với quan niệm rạch ròi về trách nhiệm chồng-vợ đã xác lập về mặt pháp lý, chắc chắn sự việc sẽ hướng theo cách giải quyết khác. Dù hướng nào đi nữa thì cái lý vẫn nặng hơn cái tình. Một khi đã xem vợ như em gái, người chồng không “thèm chấp”, có thể là vậy nhưng căn bản nhất vẫn là lúc họ lấy cái tình, lấy lòng yêu thương để tìm giải pháp cần thiết.

Không chỉ thế, theo tôi, thứ nhất, điều quan trọng nhất trong giao tiếp vợ chồng là tránh dùng những ngôn từ dễ gây hiểu nhầm. Sự hiểu nhầm đáng tiếc nhất, chết người nhất nếu ngôn từ đó xúc phạm đến người bạn đời. Khi bị xúc phạm thì họ rất khó tha thứ. Thứ hai, trong đời sống hôn nhân bao giờ cũng có sự gây gổ, “cơm không lành canh không ngọt”, trong những tình huống đó, xử lý như thế nào cũng là một nghệ thuật. Theo tôi cách tốt nhất là chọn một thời điểm thích hợp để giải quyết mâu thuẫn đó. Cũng lời nói đó, cũng ngữ điệu đó, cũng âm thanh đó, nếu nói trong một bối cảnh khác, lúc khác thì sẽ đem lại hiệu quả và ngược lại... Tôi khuyên các đấng mày râu, khi có lỗi hãy mạnh dạn nói với vợ một cách chân tình: “Anh xin lỗi em!”.

Trước đây, khi đọc câu thơ: “Em chỉ là người em gái thôi/ Người em sầu mộng của muôn đời” (Lưu Trọng Lư), ai cũng nghĩ thơ tình đôi lứa. Đúng vậy. Tại sao không áp dụng cho cả lúc cả hai đã trăm năm xe duyên kết tóc?

Vâng, ngược lại đã có người vợ xem người chồng như anh trai, như thầy nên họ đã có cách hóa giải sự việc tốt hơn gấp nhiều lần trước một sự cố nào đó. Đừng tưởng rằng, quan niệm này, chỉ ở trong óc của người viết vốn quá nhiều tưởng tượng. Này nhé, nói có sách mách có chứng: Văn hào Lỗ Tấn kết hôn với bà Hứa Quảng Bình, đâu phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt” mà thỉnh thoảng cũng sóng gió ầm ầm. Nhờ đâu, phía chân trời vẫn bình yên? Việc đầu tiên, Lỗ Tấn im lặng. “Sau đó, ông mới làm lành, nói: “Tính tôi như thế đấy, chẳng ra làm sao cả”. Bà Bình nói: “Vì em xem anh như thầy học nên em nhịn, chứ như bằng vai phải lứa thì không thể như thế được”. Ông nói: “Tôi cũng biết thế” (Lỗ Tấn - NXB Văn Hóa - 1977, tr.177). Tức là, bà Bình cũng không… “thèm chấp” với ông chồng đó thôi.

Một khi đã xác định mối quan hệ và suy nghĩ ấy, tôi nghĩ, âu cũng là một trong những biện pháp tích cực để vun vén cho mái ấm. Bạn có đồng tình?

LÊ MINH QUỐC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202007/luan-ban-ve-khai-niem-vo-chong-903755/