Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài khoảng 5.032,025km và bờ biển dài khoảng 3.260km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia (BGQG). Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) vừa được Quốc hội thông qua, sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG, phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở khu vực biên giới (KVBG). Ngay sau khi Luật BPVN được thông qua với số phiếu tán thành cao, bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Cao Bằng về ý nghĩa của Luật BPVN khi có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Bế Minh Đức. Ảnh: Tiến Trung

Đại biểu Bế Minh Đức. Ảnh: Tiến Trung

- Thưa đại biểu, khi Luật BPVN đi vào cuộc sống sẽ có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới?

- Như chúng ta đã biết, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên, tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo... Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; tình hình vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường... ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, liên quan trực tiếp đến công tác biên phòng, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây lan qua biên giới. Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong bối cảnh đó, Luật BPVN được Quốc hội thông qua có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh BGQG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

- Thực tiễn, BĐBP đã thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG. Khi Luật BPVN có hiệu lực thi hành sẽ phát huy kết quả này như thế nào, thưa đại biểu?

- Công tác tại địa phương biên giới, chúng tôi nhận thấy, BĐBP luôn chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng ở KVBG, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Được biết, từ năm 2019 đến nay, BĐBP đã phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý gần 2.000 vụ, trên 3.000 đối tượng tội phạm về ma túy, thu giữ hơn 6 tấn ma túy các loại.

Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, BĐBP đã kịp thời triển khai và duy trì hơn 1.600 tổ chốt, với hơn 7.000 cán bộ, chiến sĩ, cùng các lực lượng khác ngày đêm bám trụ, vượt qua gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát hiện, bắt giữ, xử lý, đưa đi cách ly theo quy định 20.368 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép. Trong đó, BĐBP Cao Bằng duy trì 100 chốt, điểm chốt, ngăn chặn hơn 10.000 người nhập cảnh trái phép và phối hợp với lực lượng y tế đưa đi cách ly an toàn, tránh lây lan dịch bệnh vào cộng đồng.

Luật BPVN đi vào cuộc sống với một hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, sẽ tiếp tục cụ thể hóa nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG... Trong Luật BPVN đã quy định rõ việc xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ BGQG; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở KVBG; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG...

- Thưa đại biểu, Luật BPVN có hiệu lực sẽ tác động như thế nào trong việc phát huy nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia ở KVBG?

- Thực tiễn trên các tuyến biên giới cho thấy, BĐBP đã và đang tham gia tích cực vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG, là lực lượng được chính quyền địa phương, nhân dân biên giới tin yêu. BĐBP đã sáng tạo nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”...; BĐBP cũng đã thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc; tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên KVBG, bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Long, BĐBP Cao Bằng tạm giữ các đối tượng nhập cảnh trái phép qua biên giới. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Long, BĐBP Cao Bằng tạm giữ các đối tượng nhập cảnh trái phép qua biên giới. Ảnh: CTV

Luật BPVN đã quy định cụ thể ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG. Đồng thời, quy định nhiệm vụ của BĐBP tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở KVBG... Từ những quy định cụ thể trên sẽ tạo điều kiện để BĐBP tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phát huy những kết quả của chương trình, mô hình giúp đồng bào biên giới xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí... Đặc biệt, phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động nguồn lực hoàn thành các mục tiêu của các chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giúp đồng bào các dân tộc tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển KVBG ngày một giàu đẹp.

- Tại Điều 12 Luật BPVN quy định hợp tác quốc tế về biên phòng. Theo đại biểu, khi Luật BPVN có hiệu lực sẽ tác động như thế nào đến công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới?

- Luật BPVN với những quy định cụ thể trong hợp tác quốc tế về biên phòng, sẽ tạo bước đột phá trong công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân ở KVBG, tiếp tục phát triển quan hệ đối ngoại giữa BĐBP Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng phát triển mô hình “Đồn, Trạm hữu nghị, biên giới bình yên”; kết nghĩa bản - bản, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa quân và nhân dân hai bên biên giới, cùng chung tay xây dựng, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, giúp nhau phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bồi đắp quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng ngày càng bền chặt.

- Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Viết Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-co-y-nghia-quan-trong-trong-bao-ve-doc-lap-chu-quyen-toan-ven-lanh-tho-cua-to-quoc-post435129.html