Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành củng cố thêm hệ thống pháp lý bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc

Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) nhằm thể chế hóa mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), luật hóa các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới (KVBG), xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Trước khi Quốc hội khóa XIV thảo luận, thông qua Luật BPVN tại Kỳ họp thứ 10, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn bà Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang về những vấn đề quan trọng được quy định trong dự thảo Luật BPVN.

Bà Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: CTV

- KVBG là địa bàn khó khăn, gian khổ. Dự thảo Luật BPVN cần quy định cụ thể những chính sách nào đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng nói chung và lực lượng BĐBP nói riêng, thưa bà?

- Lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng nói chung và lực lượng BĐBP nói riêng thực hiện tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG. Để hoàn thành nhiệm vụ, các lực lượng rất cần có những chính sách phù hợp, trong điều kiện chung của cả nước.

Dự thảo Luật BPVN đã dành Điều 3 để quy định các chính sách của Nhà nước về Biên phòng. Hiện nay, hệ thống đường tuần tra biên giới, đồn, trạm Biên phòng chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hệ thống quan sát hiện đại chưa được đầu tư lắp đặt hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Vì vậy, cần có chính sách ưu tiên đầu tư nâng cao hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ Biên phòng. Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, các loại tội phạm ngày càng có những phương thức, thủ đoạn tinh vi tại KVBG thì các hành vi vi phạm pháp luật cần được phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả. Do đó, rất cần đầu tư hiện đại hóa các công trình biên giới, hiện đại hóa các trang thiết bị cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng. Những chính sách này phải được quy định cụ thể trong dự thảo Luật BPVN, để khẳng định sự quan tâm của cả nước đối với công tác Biên phòng.

Ngoài ra, đối với lực lượng BĐBP, thường xuyên phải công tác xa nhà tại những vùng rất khó khăn, gian khổ, cần có những văn bản dưới luật quy định cụ thể chính sách hậu phương, hợp lý để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, vững tin bám trụ, cống hiến bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, tham gia xây dựng phát triển KVBG. Nhà nước cũng cần có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng, ưu tiên, khuyến khích nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số ở KVBG nhằm phục vụ lâu dài trong lực lượng BĐBP.

- Đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân là yếu tố hết sức quan trọng trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bà đánh giá như thế nào về kết quả của lực lượng BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ này trong những năm qua?

- Quán triệt nghiêm đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, lực lượng BĐBP đã chủ động, sáng tạo, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện công tác đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG. Thông qua công tác đối ngoại Biên phòng đã xây dựng lòng tin, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới. Đồng thời, kịp thời trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình, phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, kịp thời ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, giữ vững chủ quyền, an ninh BGQG, phối hợp giải quyết tốt những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc, xảy ra trên các tuyến biên giới.

Thực tế, công tác đối ngoại Biên phòng tại tỉnh Hà Giang đã được BĐBP Hà Giang triển khai hiệu quả, nổi bật là triển khai mô hình “Chung tay kết nghĩa Đồn - Trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên”, đưa quan hệ giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới, ngày càng sâu sắc và đi vào thực chất. Đặc biệt, BĐBP Hà Giang tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới.

Với vai trò quan trọng của công tác đối ngoại Biên phòng, dự thảo Luật BPVN xây dựng riêng Điều 11 về Hợp tác quốc tế về Biên phòng với những nguyên tắc, nội dung, hình thức để thực hiện là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng, nhất là lực lượng BĐBP triển khai có hiệu quả công tác này, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

- “4 cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số trên biên giới (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số) đã trở thành “thương hiệu” của BĐBP. Là người gắn bó với biên giới, bà có chia sẻ về kết quả của BĐBP tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn biên giới?

- Hà Giang có hơn 277km đường biên giới, 34 xã biên giới. Thời gian qua, BĐBP Hà Giang tham gia tích cực vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, có sự đóng góp quan trọng trong hoạt động xây dựng Đảng, củng cố cơ sở chính trị ở địa bàn biên giới.

BĐBP Hà Giang điều động 34 cán bộ tăng cường cho 34 xã, thị trấn biên giới; giới thiệu 145 đảng viên tham gia sinh hoạt, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh tại 473 chi bộ thôn, bản; phân công 360 đảng viên các đồn Biên phòng phụ trách, giúp đỡ 1.715 hộ ở các thôn bản giáp biên giới. Qua các hoạt động đó, lực lượng BĐBP luôn gần dân, hiểu dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp dân trong lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG. Nổi bật là BĐBP thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”...

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang tham gia làm đường nông thôn mới ở địa phương. Ảnh: CTV

Từ những việc làm thiết thực, BĐBP được chính quyền địa phương và nhân dân tin yêu, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, phát huy được sức mạnh toàn dân bảo vệ vững chắc, chủ quyền an ninh BGQG. Trên tuyến biên giới của tỉnh có 888 cá nhân, 106 tập thể đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc; 346 tổ tự quản về an ninh trật tự tại 346 thôn với 1.158 thành viên.

Vì vậy, quy định “Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh” được xác định rõ trong dự thảo Luật BPVN thì lực lượng BĐBP sẽ “chính danh” trong thực thi những nhiệm vụ quan trọng này và tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân để triển khai hoạt động.

- Thưa bà, dự án Luật BPVN sau khi được Quốc hội ban hành có ý nghĩa như thế nào trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG trong tình hình mới?

- Theo tôi, Luật BPVN khi được Quốc hội thông qua sẽ thể chế hóa Chiến lược bảo vệ BGQG; xác định rõ lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng; khẳng định lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và chủ trì duy trì an ninh trật tự ở KVBG, cửa khẩu. Luật BPVN là cơ sở pháp lý để tiếp tục phát huy cao hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; góp phần xây dựng hệ thống các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới đồng bộ, thống nhất, biện pháp công tác Biên phòng và công trình phòng thủ bảo vệ BGQG; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm ở KVBG, cửa khẩu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG.

Danh Anh (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-duoc-ban-hanh-cung-co-them-he-thong-phap-ly-bao-ve-vung-chac-bien-cuong-cua-to-quoc-post434301.html