Luật Biên phòng Việt Nam không chồng chéo với Luật Biên giới quốc gia

Thảo luận về dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) tại tổ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo và đồng tình với tên gọi Luật BPVN, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, chính sách biên phòng và lực lượng thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu lại tên gọi dự thảo luật rà soát tránh sự chồng chéo với Luật Biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật hiện hành… Để làm rõ những vấn đề này, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những giải đáp cụ thể vấn đề các đại biểu quan tâm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Viết Hà

Về tên gọi của Luật BPVN, theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định, Chính phủ sớm xây dựng, ban hành Luật BPVN. Nhằm cụ thể Nghị quyết 33, trước khi xây dựng dự án luật, các địa phương biên giới đã tổng kết 20 năm thực thi Pháp lệnh BĐBP, đồng thời thống nhất đề nghị xây dựng Luật BPVN.

Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực thi Pháp lệnh BĐBP, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ kết luận, phải xây dựng Luật BPVN để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới vững mạnh.

Đặc biệt, khi Chính phủ giao Bộ Quốc phòng xây dựng Luật BPVN, Ban soạn thảo tiếp tục xin ý kiến của các bộ, ngành và 44 tỉnh, thành phố biên giới. Các địa phương đều nhất trí với tên gọi Luật BPVN và khẳng định, công tác biên phòng là của cả hệ thống chính trị, chứ không phải nhiệm vụ của quân đội hay của BĐBP.

“Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững độc lập dân tộc. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã hoàn thành gần 90%, đồng thời, cơ bản phân định rõ vùng biển vịnh Bắc bộ. Đây là thành quả vô cùng lớn của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị” - Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh.

Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho biết, trong thời gian qua, lực lượng BĐBP phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh thành công với các loại tội phạm trên biên giới, duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra điểm “nóng” trên biên giới, hạn chế tối đa ma túy xâm nhập qua biên giới.

“Khi đất nước bước vào trạng thái “bình thường mới”, trên tuyến biên giới vẫn duy trì hơn 1.600 tổ, chốt với 10.000 người tham gia, trong đó, BĐBP duy trì 7.000 cán bộ, chiến sĩ bám trụ phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh xâm nhập qua biên giới. Thành công này không chỉ BĐBP làm được, mà có sự góp sức rất lớn của chính quyền địa phương, các lực lượng Công an, dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội... Vì vậy, Luật BPVN xác định nhiệm vụ biên phòng là của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang là nòng cốt, còn lực lượng BĐBP là chuyên trách trong bảo vệ biên giới” - Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh khẳng định.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, BĐBP Sơn La chuẩn bị bữa sáng cho học sinh mầm non bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Viết Hà

Về ý kiến cho rằng, dự án Luật BPVN có chồng chéo với Luật Biên giới quốc gia, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh phân tích, Luật BPVN có sự giao thoa với Luật Biên giới quốc gia, đều quy định về lĩnh vực biên giới.

Luật Biên giới quốc gia là luật nền, quy định chung về biên giới quốc gia, đường biên giới, khu vực biên giới; công tác quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới. Luật BPVN quy định cụ thể các nhiệm vụ, lực lượng thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Trong nhiệm vụ xây dựng, quản lý biên giới, lực lượng nào nòng cốt, lực lượng nào chuyên trách, lực lượng nào tham gia đều đã được xác định rõ.

“Dự án Luật BPVN đã quy định rõ 12 nhiệm vụ của BĐBP, trong đó có những nhiệm vụ như tham gia phát triển kinh tế - xã hội; đưa đảng viên về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới; tăng cường cán bộ về giữ các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã biên giới; xóa mù chữ; khám chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người dân... Khi cơ sở chính trị ở biên giới vững mạnh, giáo dục, y tế phát triển, BĐBP hoàn thành sứ mệnh và tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Như vậy, BĐBP không phải là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trên mọi lĩnh vực trên biên giới” - Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh phân tích.

Với ý kiến cho rằng, dự án Luật BPVN quy định nhiệm vụ của BĐBP chồng chéo với các lực lượng khác; BĐBP kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; BĐBP có quyền kiểm soát, xử lý các phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trùng với nhiệm vụ của lực lượng Hải quan..., Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho biết, các văn bản hiện hành quy định BĐBP có quyền kiểm tra, kiểm soát ở cửa khẩu như: Luật Công an nhân dân; Luật Quốc phòng; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...

Trong kiểm tra, kiểm soát, hai lực lượng có mục đích kiểm soát khác nhau; địa bàn kiểm tra khác nhau, lực lượng Hải quan chỉ kiểm tra ở địa bàn cửa khẩu, nhưng trên 5.000km biên giới còn có các đường mòn, lối mở. Hải quan kiểm tra phương tiện vận tải, kiểm tra hàng hóa trên phương tiện vận tải, đối chiếu với tờ khai Hải quan.

BĐBP không kiểm tra hàng hóa, chỉ kiểm tra an ninh khi có dấu hiệu vi phạm trong các phương tiện vận tải như: Cất giấu vũ khí, ma túy, tài liệu phản động... Đồng thời, kiểm tra phương tiện vận chuyển hành khách, phương tiện cá nhân.

“Trong tháng 5-2020, tại cửa khẩu Bình Hiệp, Long An, BĐBP đã kiểm tra phương tiện tại đường mòn ở cánh gà, phát hiện xe máy vận chuyển 21kg ma túy tổng hợp, 3 khẩu súng quân dụng, 4 băng tiếp đạn... Trước đó, tháng 9-2019, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, BĐBP Lạng Sơn kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, trong tờ khai Hải quan ghi mặt hàng nông sản, được ưu tiên miễn kiểm tra. Khi BĐBP điều tra, có nguồn tin chính xác, tiến hành kiểm tra và phát hiện trong thùng xe chứa 21 tấn pháo nổ. Ngoài ra, trong những năm qua, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh, BĐBP đã phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn” - Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh nêu ví dụ.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-khong-chong-cheo-voi-luat-bien-gioi-quoc-gia-post429998.html