'Luật các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải mở và tự do'

Theo ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cần sớm thông qua Luật các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vì thực tế chúng ta đang rất chậm so với các nước trong khu vực.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Ceo Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Như BizLIVE đã đưa tin, ngày 15/11 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ I.

Tham dự hội nghị này, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Ceo Group, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bất động sản nêu ra hàng loạt các kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước.

Đáng chú ý, tại diễn đàn này, đề cập đến chính sách, pháp luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, ông Bình cho biết, trên cơ sở nghiên cứu các Dự thảo Luật, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề xuất, cần sớm thông qua Luật các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vì thực tế chúng ta đang rất chậm so với các nước trong khu vực và thế giới trong lĩnh vực này. Hơn nữa, nhiều nước có các đặc khu thành công cũng thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung pháp luật để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Thứ hai, Luật cần có cơ chế vượt trội nằm ở hai chữ “mở” (open) và “tự do” (free) nhất mới đáp ứng mục tiêu đủ sức cạnh tranh với các đặc khu thành công trong khu vực và thế giới.

‘“Mở” ở đây là chính sách thông thoáng đến đâu, ví dụ như không chỉ cho người nước ngoài mua nhà mà còn mua cả bất động sản nghỉ dưỡng được không?. “Tự do” là có cho phép tiêu ngoại tệ mạnh trong đặc khu hay không, hoặc có mở hết ưu đãi thuế (free tax) và thị thực (free visa) hay không?”, ông Bình nêu.

Một vấn đề nữa ông Chủ tịch Ceo Group đề xuất đó là, cần thiết phải lựa chọn thiết chế Trưởng đặc khu so với thiết chế hiện nay để tạo ra đột phá, thử nghiệm chính quyền đô thị tương lai, một người quyết và chịu trách nhiệm.

Cùng cách nhìn nhận, chia sẻ quan điểm của mình trên báo giới mới đây, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 30 năm, giữa hai dự luật, ông vẫn nói cùng một điều với chính phủ: Quan trọng nhất là con người.

Ông Thắng cho biết, tại hội thảo về Đặc khu kinh tế do Văn phòng Chính phủ tổ chức cách đây không lâu ở Quảng Ninh, khi tham gia phát biểu, ông vẫn giữ nguyên một ý như 30 năm trước: Ở phía Nhà nước, ta cần con người hoàn chỉnh để thực thi chính sách. Ở phía ngược lại, đối tượng để chính sách nhắm tới, là người giỏi, người giàu.

Vì sao? Bởi thứ nhất, cần những con người hoàn chỉnh về tâm và tài để không lặp lại những bài học về quản lý đầu tư công, về đầu tư nước ngoài như một số các vụ án kinh tế đã xảy ra. Lịch sử đã có những nhà quản lý các khu kinh tế, những người chịu trách nhiệm trong những cuộc cải cách mô hình kinh tế phải lên “đoạn đầu đài” (mặc dù đúng, sai còn nhiều tranh cãi).

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cần người có tâm, có tầm để không vội vã chỉ nhìn vào quy mô vốn lớn của dự án đầu tư mà cấp phép ngay, bỏ ngoài tai các vấn đề nhạy cảm khác và cái nhìn dài hạn.

Nếu nhà đầu tư bỏ ít tiền nhưng không làm đến nơi đến chốn, lại “cắm rễ sâu”, “sinh con, đẻ cái” tại Việt Nam thì an ninh quốc phòng và văn hóa nước ta nhất định bị ảnh hưởng. Khi có các bất ổn về chính trị, thật khó khăn cho con cháu chúng ta xử lý vấn đề “mời khách vào nhà thì dễ, nhưng mời khách ra khỏi nhà lại khó”.

Thứ hai, ở chiều ngược lại, đặc khu kinh tế chỉ thành công nếu nó thu hút được giới tinh hoa đến sinh sống, làm việc. Mọi cơ chế ưu đãi phải xoay quanh mục tiêu trung tâm: làm sao để giới tinh hoa hội tụ về ba đặc khu. Làm được điều đó, ta đã thành công một nửa.

Theo ông Thắng, điều này giống như Trung Quốc đầu những năm 1980 đã mở đặc khu với mục đích thu hút 57 triệu người Hoa ở nước ngoài đầu tư về nước.

Nêu vấn đề ngoài con người, tại sao chúng ta cần có đặc khu kinh tế?, ông Thắng cho rằng, đầu tiên là vì Chính phủ muốn có các khu kinh tế thành công trong so sánh với kinh tế khu vực.

Theo ông, Việt Nam có tới 18 khu kinh tế và nhiều khu công nghiệp đã ra đời và được rầm rộ quảng bá, vận động thu hút đầu tư trong một thời gian dài. Có những khu kinh tế được kỳ vọng của một thời như khu kinh tế Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái… nhưng đến nay, không có cái tên nào thành công. Đây là lý do chúng ta đi phải tìm mô hình mới.

Tuy nhiên, từ quan sát của bản thân sau vài chục năm làm việc trong môi trường đầu tư nước ngoài, điều ông Thắng băn khoăn, là mũi nhọn của các đặc khu. Cả ba đặc khu trong đề xuất của các tỉnh và kế hoạch chuẩn bị đều xác định ưu tiên đối với “dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino”.

Theo ông, có hai yếu tố sẽ tác động nhanh và mạnh tới toàn cảnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gồm: Sản xuất thông minh (hay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) và các hiệp định thương mại.

Vì thế, ưu tiên mới về thu hút đầu tư của Việt Nam bao gồm cho đặc khu phải tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để nâng cao giá trị hàng "Made in Vietnam" trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Với cơ cấu ngành kinh doanh như hiện nay, các đặc khu rất dễ trở thành một phiên bản của Macau trong tương lai. Và như thế, nó chỉ có lợi cho một nhóm người, doanh nghiệp. Người dân địa phương có thể có việc làm, nhưng chỉ là lao động dịch vụ trong các tụ điểm này.

“Nếu ba đặc khu của chúng ta nhanh chóng thích ứng với thời cuộc, điền tên vào bản đồ đầu tư của thế giới thì là tin vui. Nhưng nếu nó chỉ dừng ở ba nơi nghỉ dưỡng, giải trí, thì chi phí cơ hội mất đi của cả nền kinh tế cũng là rất lớn”, ông Thắng nói.

VẠN XUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/quy-hoach/luat-cac-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-phai-mo-va-tu-do-3420928.html