Luật chồng chéo, gây khó khăn đủ đường

Sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các luật gây khó khăn cho nhiều dự án; doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ

UBND tỉnh Khánh Hòa đang chỉ đạo các sở, ngành rà soát những vướng mắc về luật từ phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Lúng túng trong việc tham mưu

Qua rà soát và tổng hợp, VCCI nêu ra 25 vấn đề về việc thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư kinh doanh.

Ngày 9-3, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Khánh Hòa cho biết dự án lấn vịnh Nha Trang là Công viên Văn hóa giải trí Nha Trang Sao (dự án Nha Trang Sao, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) dù thu hồi gần 2 năm qua nhưng vẫn đang bị chủ đầu tư khiếu nại, đến nay chưa giải quyết rốt ráo.

Theo đó, dự án Nha Trang Sao được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3-2012. Do chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung quy định, trễ tiến độ, bị xử phạt nhưng tiếp tục vi phạm… nên dự án bị thu hồi vào tháng 1-2018. Hiện dự án này là bãi đất trống bỏ hoang, nằm ngay mặt tiền đường biển Phạm Văn Đồng của TP Nha Trang, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài nguyên.

Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, Luật Đầu tư quy định dự án sẽ bị chấm dứt nếu sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện. Trong khi đó, Luật Đất đai lại cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng sau khi đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng hoặc chậm tiến độ 24 tháng. Như vậy, 2 luật này chưa thống nhất về căn cứ thu hồi dự án đầu tư, khiến sở, ngành lúng túng trong việc tham mưu.

Tương tự, nhiều dự án khác tại tỉnh Khánh Hòa đã bị thu hồi như: Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa (TP Nha Trang); khu thương mại dịch vụ và khách sạn Đông Hải (TP Cam Ranh), Trung tâm Dịch vụ bơi lội thể thao Khánh Hòa (TP Nha Trang)… hiện các chủ đầu tư vẫn đang khiếu nại lên Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa và các cấp.

Ngay lĩnh vực lao động cũng gặp chồng chéo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Khánh Hòa cho biết trước đây, tình trạng người nước ngoài làm việc theo hình thức góp vốn cổ phần cũng diễn ra phổ biến. Cao điểm như năm 2018, toàn tỉnh có hơn 900 lao động nước ngoài thì gần 300 lao động trong đó được miễn cấp phép lao động vì có góp vốn vào doanh nghiệp.

Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa, cho biết điều bất cập là luật không quy định góp vốn bao nhiêu mới được miễn giấy phép lao động. Không ít người nước ngoài chỉ góp vốn vài triệu đồng cũng thuộc diện không cần cấp phép. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa và Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh quy định về việc góp vốn bao nhiêu mới được miễn cấp phép lao động chứ không thể góp bao nhiêu cũng được miễn.

Dự án Công viên Văn hóa giải trí Nha Trang Sao sau 2 năm thu hồi vẫn là bãi đất trống25 điểm bất cập

Trước những thực tế đó, VCCI đã tham khảo 333 ý kiến từ hơn 40 hiệp hội, doanh nghiệp và có văn bản tổng hợp gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, chỉ rõ 25 điểm bất cập về pháp luật mà từ đó dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư kinh doanh.

Khi bắt đầu cho đến khi đưa vào hoạt động đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp trải qua nhiều giai đoạn với điều kiện và thủ tục này được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Như dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản sẽ chịu sự điều chỉnh của các luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Xây dựng, Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị, Đấu thầu, Phòng cháy chữa cháy… Trong khi đó, thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật lại không thống nhất, chồng chéo nhau khiến nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục đó không?

Dẫn chứng về việc chồng chéo này, phía VCCI cho biết hàng loạt luật chưa thống nhất về "nhà đầu tư" và "chủ đầu tư", nhà đầu tư phải được nhà nước công nhận mới thành chủ đầu tư khiến nhiều dự án bế tắc, không thể triển khai. Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị quy định "chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư". Trong khi Luật Đầu tư (tại điều 33) thì chỉ có "nhà đầu tư thực hiện dự án". Do đó, nhiều tỉnh không tiếp nhận hồ sơ khi doanh nghiệp trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của "nhà đầu tư" mà yêu cầu phải là hồ sơ của "chủ đầu tư". Theo quy trình, thiếu quy hoạch chi tiết 1/500 thì không thể lập dự án đầu tư và cũng không được công nhận là "chủ đầu tư".

VCCI còn chỉ ra hàng loạt vấn đề khác như: Chưa thống nhất về điều kiện cấp phép, thẩm quyền cấp phép, hồ sơ xin cấp phép; không rõ thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau; chồng lấn khi thực hiện thủ tục hành chính; chưa thống nhất về thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, giữa các văn bản pháp luật về kinh doanh còn thiếu thống nhất khi quy định các khái niệm; sự chồng lấn khi ban hành các danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Sự chồng chéo này tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp, nhất là liên quan đến các chính sách về hạn chế quyền kinh doanh.

Chung tay gỡ khó

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong và các sở: KH-ĐT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về sự chồng chéo pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Các sở, ngành phải tổng hợp gửi về Sở KH-ĐT các nội dung vướng mắc; Sở KH-ĐT có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thực hiện và tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh gửi VCCI.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/luat-chong-cheo-gay-kho-khan-du-duong-20200309215118637.htm