Luật Đất đai (sửa đổi): Cần minh bạch trong công tác thu hồi đất

Đối với nội dung thu hồi đất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, về điều 229 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, các khoản 1, 2, 3 có quy định 5 hình thức hòa giải tranh chấp về đất đai, gồm: Tự hòa giải; Hòa giải ở cơ sở; Hòa giải tại Tòa án; Hòa giải thương mại; Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã.

Tuy nhiên, đối với trường hợp hòa giải thành mà có sự thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất, khoản 5 Điều 229 chỉ quy định về trình tự, thủ tục công nhận sự thay đổi đối với 02 hình thức hòa giải là: Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã và Hòa giải tại Tòa án.

Nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, dự thảo Luật Đất đai đã có quy định cụ thể. (Ảnh minh họa)

Như vậy, đối với 3 hình thức hòa giải còn lại, nếu có sự thống nhất về thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất sẽ không có cơ chế để công nhận kết quả hòa giải. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung các trường hợp này tại khoản 5 Điều 229 cho phù hợp.

Ngoài ra, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, dự thảo Luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện.

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần làm rõ khái niệm thế nào là “phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”, thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, dự liệu các trường hợp xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.

Theo tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, Chính phủ cho biết nội dung thu hồi, trưng dụng đất (Chương VI, dự thảo luật) là nội dung nhận được nhiều ý kiến của Nhân dân.

Theo đó, dự luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.

Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 74; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 77.

Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân, trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/luat-dat-dai-sua-doi-can-minh-bach-trong-cong-tac-thu-hoi-dat-77408.html