Luật Đất đai sửa đổi mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Lào Cai

Luật Đất đai sửa đổi 2024 đang được kì vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Lào Cai, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vu và phát triển logictics.

Lào Cai là một tỉnh miền núi đa dân tộc thiểu số, cũng là nơi sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, là mảnh đất du lịch lý tưởng, đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế giáp với Trung Quốc. Luật Đất đai sửa đổi 2024 đang được kì vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho địa phương đóng vai trò là điểm sáng kinh tế của khu vực này.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Phạm Bình Minh-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai.

Ông Phạm Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai phát biểu tại một Hội nghị

PV: Thưa ông, Lào Cai được biết đến là một trong số địa phương tận dụng khá tốt các nguồn lợi từ đất trong thời gian qua. Vậy Lào Cai xác định sẽ phát huy thế nào đối với Luật Đất đai mới đang chuẩn bị có hiệu lực?

Ông Phạm Bình Minh: Luật đất đai 2024 cũng mở ra khá nhiều cơ hội cho các tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế nhanh và bền vững như Lào Cai. Trong đó, chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định trung ương bây giờ sẽ quản lý cứng 5 mã đất chính gồm đất an ninh, đất quốc phòng, đất khu công nghiệp, đất kho dự trữ quốc gia, đất chưa sử dụng.

Các phần còn lại thì sẽ trao lại cho chính quyền địa phương phải chủ động tính toán làm sao phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Trong đó, ví dụ như để phát triển công nghiệp, phát triển logictics thì vừa rồi cái kỳ làm quy hoạch điều chỉnh giai đoạn 2020 - 2030 chúng ta đã tính toán khá kỹ nội dung này.

Tuy nhiên, bây giờ Luật Đất đai 2024 này trao quyền lại cho địa phương rất nhiều nên chúng ta có rất nhiều điều kiện. Chúng ta thấy điểm nào không phù hợp, cần mã đất nào và chỉ tiêu nào nhiều hơn, tốt hơn cho địa phương thì chúng ta có quyền điều chỉnh trong những nội hàm, chỉ tiêu đất mà chúng ta được quyền quyết định, từ đó tháo gỡ rất nhiều về vấn đề về thủ tục hành chính.

PV: Lào Cai đã và đang thu hút nhiều dự án trọng điểm, kéo theo khối lượng giải phóng mặt bằng cũng sẽ rất lớn, vậy Luật Đất đai mới sẽ có tác động thế nào tới yếu tố này, đặc biệt là trong đền bù, tái định cư cho người dân thưa ông?

Ông Phạm Bình Minh: Đối với công tác bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, trước đây chúng ta cũng thấy là khái niệm là người có đất bị thu hồi được bồi thường phải bằng hoặc tốt hơn. Nhưng lúc đấy mà bằng những câu từ nhưng bây giờ được thể hiện rõ trong các điều. Có 31 trường hợp thu hồi đất tại Điều 79.

Ví dụ như việc tái định cư thì phải thể hiện rõ vị trí, điều kiện hạ tầng của khu tái định cư rồi, thậm chí quy định về tạm cư hay các chính sách hỗ trợ rất rõ, có nghĩa là quyền lợi của người có đất bị thu hồi phải được đảm bảo, đặc biệt là đảm bảo ổn định được đời sống.

Một vấn đề nữa là để cơ động thì Luật mới cũng không quy định cứng nhắc chuyện bồi thường đúng loại đất bị thu hồi nữa, có nghĩa là bây giờ có thể bồi thường bằng loại đất khác. Tuy nhiên, người dân cũng phải đăng ký và phải đưa vào phương án thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

PV: Vâng, còn đối với ngành kinh tế đang dần trở thành mũi nhọn của Lào Cai, đó là du lịch, vậy ông cho biết các điều khoản mới của Luật sẽ có tác động tích cực như thế nào?

Ông Phạm Bình Minh: Đối với Lào Cai thì chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để phát triển du lịch. Tại điều 248 của Luật Đất đai 2024 cũng quy định sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó cho phép kết hợp giữa đất nông nghiệp và du lịch, từ đó có điều kiện để sử dụng đất đa mục đích. Ví dụ như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý và một số khu vực khác, người có đất nông nghiệp có thể xây dựng phương án, đăng kí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó triển khai thực hiện. Như trước kia đối với các loại hình này khó khăn hơn, bởi vì phải đưa vào quy hoạch sử dụng đất, sau đó phải chuyển đổi mục đích thì mới thực hiện được một số việc như đưa các công trình bungalow hay các điểm check in vào sử dụng.

PV: Trong Luật Đất đai mới cũng làm rõ rất nhiều khái niệm, trong đó có 2 khái niệm là tập trung và tích tụ đất đai, với một địa phương có 3/4 dân số cũng như lao động tập trung ở khu vực nông thôn, điều này chắc chắn sẽ có rất nhiều ý nghĩa, xin ông làm rõ hơn về 2 khái niệm này?

Ông Phạm Bình Minh: Tập trung ở đây thì mang tính chất là cơ động hơn. Ví dụ, người dân có đất có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng quyền sử dụng đất của họ không mất đi. Cụ thể, người dân góp vào hợp tác xã, góp vào doanh nghiệp thì đó chính là cổ phần của mình, thậm chí mình vừa làm công nhân và vừa là người có tài sản. Hiện nay trong chủ trương đang khuyến khích loại hình này nhiều hơn.

Còn tích tụ ở đây giống như là mua đứt bán đoạn và có thể dẫn đến nguy cơ mất tư liệu sản xuất. Trước kia cả 2 khái niệm này đều có rồi nhưng chưa làm rõ và còn có nhiều rào cản. Ví dụ như câu chuyện để người dân góp được đất của mình vào các hoạt động kinh tế.

Ngay cả câu chuyện chuyển nhượng, tích tụ cũng nhiều rào cản, bởi vì có hạn mức, quy định đối tượng nào mới được nhận quyền sử dụng đất lúa, đất rừng. Nhưng Luật Đất đai mới sẽ mở rộng phạm vi được tích tụ hơn, đảm bảo đất được sử dụng sẽ nâng cao hiệu quả tốt nhất.

PV: Ngoài các thế mạnh về kinh tế, Lào Cai vẫn là một tỉnh vùng cao, đông đồng bào thiểu số, các điều khoản của Luật Đất đai mới tập trung cho nhóm đối tượng này ra sao thưa ông?

Ông Phạm Bình Minh: Lào Cai có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm rất lớn. Hiện nay đã có các điều khoản để giúp tạo ra các quỹ đất ở, đất sản xuất, làm cơ sở để lập các dự án trao đất cho những người có nhu cầu, đặc biệt là đồng bào thiểu số. Trái ngược với trước kia không có điều khoản nào.

Ví dụ đối với trường hợp người có nhiều đất nhưng không sử dụng đất, chúng ta muốn thu hồi để tạo quỹ đất cho người không có đất thì lại vướng rào cản. Hoặc trường hợp người dân tộc thiểu số từng được giao đất rồi.

Nhưng vì lý do, hoàn cảnh nào đó mà họ phải chuyển nhượng đi thì nay đã có điều khoản quy định để tiếp tục giao đất cho những trường hợp mất đất ấy. Tuy nhiên cũng có các điều kiện ràng buộc, bởi giao để sử dụng chứ không phải giao đất để trục lợi chính sách.

PV: Không lâu nữa Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực, trước hết nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ được Lào Cai triển khai ra sao?

Ông Phạm Bình Minh: Lào Cai hiện nay cũng đang chỉ đạo Sở Tài nguyên phối hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng một kế hoạch tổng thể, không chỉ tuyên truyền cho Luật đất đai đã được Quốc hội thông qua mà kể cả sau này là các Nghị định, các Thông tư.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi cái kế hoạch được phê duyệt thì ngành vẫn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh dần tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Trước mắt tuyên truyền cho những người trực tiếp làm công tác quản lý đất đai, sau đó sẽ lan tỏa đến các thành phần khác trong hệ thống chính trị cũng như đối với cộng đồng dân cư.

PV: Luật mới cũng sẽ phân cấp rất nhiều cho các địa phương, vậy ngoài tuyên truyền còn cả nhiệm vụ phải cụ thể hóa Luật?

Ông Phạm Bình Minh: Đó là một loạt các vấn đề đặc biệt liên quan trực tiếp người dân như quy định về bảng giá đất; quy định về các nội dung liên quan đến triển khai các dự án đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; các định mức đơn giá, hạn mức giao đất; thậm chí kể cả liên quan đến kiểm soát, xử phạt…

Tất cả các nội dung đó, trong lúc dự thảo các Nghị định ra đời thì đồng thời các cơ quan tham mưu cũng phải nỗ lực tham mưu ngay dự thảo các Quyết định, Nghị quyết của địa phương để khi Nghị định có hiệu lực thì chính quyền địa phương cũng phải tiếp cận, ban hành ngay để tránh cái độ trễ trong triển khai luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/luat-dat-dai-sua-doi-mo-ra-nhieu-co-hoi-phat-trien-cho-lao-cai-post1084267.vov