Luật Dầu khí 2022 tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động dầu khí

Luật Dầu khí 2022 có nhiều điểm mới với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, kỳ vọng sẽ tạo ra động lực về thể chế giúp ngành dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng đẩy mạnh các hoạt động khai thác, thăm dò, tìm kiếm, đưa ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Bổ sung chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí

Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã có quy định rõ về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 10); Nội dung điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 11); Điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 12); Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 13); Quản lý, khai thác, sử dụng mẫu vật, tài liệu từ hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí.

Trong đó, để phù hợp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, tại Khoản 3, Điều 12 có quy định đối với “cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí” với điều kiện phải liên danh với tổ chức có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ. Chính sách đối với tổ chức ngoài cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, được đề xuất thu hồi chi phí khi tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí trong khu vực đã thực hiện hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí.

Để phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế, tại Khoản 2, Điều 29 của Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung “Loại hợp đồng dầu khí khác” bên cạnh “Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí” được quy định và áp dụng từ Luật Dầu khí 1993. Bên cạnh đó, đối với hợp đồng PSC cũng được bổ sung và hoàn thiện các quy định theo hướng linh hoạt, rõ ràng hơn.

Theo đó, thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí (30 năm đối với cả dầu và khí và 35 năm với lô được hưởng chính sách ưu đãi/đặc biệt ưu đãi đầu tư), tăng 5 năm so với Luật Dầu khí trước đây để tương đồng với các nước trong khu vực nhằm tăng tính thu hút đầu tư (Điều 31); nhà thầu có thể đề xuất đầu tư bổ sung nhằm gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu dầu khí với điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho hợp đồng dầu khí mới sau khi hợp đồng dầu khí đã ký hết thời hạn (Điều 40); mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữa lại diện tích hợp đồng, hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí vượt sang diện tích của một hoặc nhiều lô dầu khí liền kề đã ký hợp đồng dầu khí để thẩm lượng và phát triển chung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tối ưu tài nguyên dầu khí (Điều 32); nhà thầu có nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật (Điều 36).

Để phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí tại Việt Nam, Luật Dầu khí 2022 bổ sung quy định dự án dầu khí có thể được triển khai theo chuỗi đồng bộ bao gồm các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển (Điều 42). Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí.

Người lao động dầu khí trên giàn Hải Thạch - Mộc Tinh
Ảnh: PVN

Xác định nguyên tắc hưởng ưu đãi đầu tư

Từ phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí 2022, có thể thấy, trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, sẽ có nhiều dự án dầu khí trọng điểm và tận thu ngoài khơi được phát triển đồng bộ, làm đòn bẩy tăng trưởng cho toàn ngành dầu khí.

Vì vậy, Luật Dầu khí 2022 đã sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, xác định các lô được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (Điều 53 và 54).

Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, Luật Dầu khí 2022 quy định cụ thể mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa quy định mức thuế suất này), thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% (nằm trong khung thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định) và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm (Khoản 3, Điều 54). Điểm mới trong dự Luật Dầu khí 2022 là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Luật Dầu khí 2022 cũng bổ sung chính sách khai thác mỏ dầu khí tận thu (lô, mỏ đã khai thác nhưng hiện giảm sản lượng, nhà đầu tư kết thúc hợp đồng sớm hoặc hết hạn hợp đồng). Việc khai thác dầu khí tận thu sẽ được giao cho Petrovietnam thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí đã kết thúc thời hạn 2 năm từ khi Petrovietnam tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí mà không có nhà thầu nào quan tâm hoặc không lựa chọn được nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí mới.

Đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu, Luật Dầu khí 2022 quy định quy định cụ thể về chính sách đặc thù khi phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí (Khoản 1, Điều 55). Để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, Luật Dầu khí 2022 cũng có quy định về việc “Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 3 của Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12” khi không áp dụng đối tượng chịu thuế tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu (Khoản 2, Điều 67).

Bạch Hạc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/luat-dau-khi-2022-tao-hanh-lang-phap-ly-thuan-loi-hon-cho-hoat-dong-dau-khi-i315058/