Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 - Doanh nghiệp cần làm gì?

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo 'Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 - Doanh nghiệp cần làm gì?'. Sự kiện có sự tham gia và bàn luận sôi nổi của hơn 200 đại biểu là các doanh nghiệp, luật gia, nhà quản lý và các phóng viên, nhà báo dự đưa tin, phỏng vấn.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Dự hội thảo có Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Ts.,Ls. Lê Đình Vinh - Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink; Ls. Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO; Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Thanh Hải - Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội), Chủ tịch Ủy ban Pháp Luật của AmCham Hanoi, Luật sư cao cấp của Công ty Luật Baker McKenzie tại Việt Nam; Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM).

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2020 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021, điều này đặt ra nhiều bỡ ngỡ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, mục đích của hội thảo là nơi các luật gia, các trọng tài viên uy tín trình bày và giải thích những điểm mới, những điểm thay đổi trong Luật so với Luật các năm trước đó. Từ đó giúp các doanh nghiệp không bị bỡ ngỡ trong việc áp dụng luật vào thực tiễn tại công ty.

Ts., Ls. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC trình bày

Trình bày những điểm mới cơ bản của Luật Đầu tư năm 2020, Ts., Ls. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC cho biết: Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Đầu tư 2014. Việc ban hành Luật Đầu tư 2020 nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Lấy thí dụ về nhóm các quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, LS Vinh cho biết Luật Đầu tư 2020 tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc những ngành nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện. Tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Luật đã bổ sung các quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Bổ sung ngành nghề “Kinh doanh pháo nổ” và “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bổ sung nội dung cấm mua bán “bào thai người” vào quy định cấm ngành, nghề “Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người”.

Bãi bỏ các Phụ lục I, II, III của Luật Đầu tư liên quan đến các quy định cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất, các hóa chất, khoáng vật và động vật, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế và giao Chính phủ quy định chi tiết các Phụ lục này để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm nói trên cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan (Phụ lục IV). Theo đó, việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem xét trên cơ sở các tiêu chí: (i) Các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; (iii) Các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; (iii) Các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh; (iv) Các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Các phóng viên tác nghiệp tại hội thảo

LS Vinh cho biết thêm Luật Đầu tư 2020 đã hiện thực hóa các cam kết chung và các quy định về hạn chế tiếp cận thị trường khi Việt Nam gia nhập WTO cũng như tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư thế hệ mới, cụ thể là cam kết về hạn chế đối xử quốc gia đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Về nhóm các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhằm đảm bảo mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đồng thời tạo điều kiện để thu hút hoạt động đầu tư theo các mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang xuất hiện trong xã hội hiện đại, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Về nhóm các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài phát triển trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này.

Trình bày những điểm mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Ls. Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO thí dụ, về người đại diện pháp luật, nếu có 1 đại diện: Chủ tịch hoặc Giám đốc; nếu có 2 đại diện với Công ty TNHH: Chủ tịch & Giám đốc, với Công ty Cổ phần: Chủ tịch hoặc Giám đốc. Luật năm 2020 vẫn giống năm 2015 ở điểm, phải có ít nhất 1 người phải cư trú ở Việt Nam, ngoài ra là về điều lệ quy định cụ thể: Số lượng, Chức danh quản lý, Quyền, nghĩa vụ của mỗi người. Bên cạnh đó, Luật năm 2020, có thay đổi là: Nếu phân chia quyền, nghĩa vụ không rõ: Mỗi người đều là đại diện đủ thẩm quyền và tất cả phải chịu trách nhiệm liên đới.

Tiếp đó Luật sư Đức đã trình bày những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 về giá trị con dấu doanh nghiệp; thời hạn góp vốn thành lập; ký biên bản họp; việc xác định DNNN; các loại cổ phần; việc chào bán cổ phần & trái phiếu riêng lẻ; về quyền, nghĩa vụ của ĐHĐCĐ và Quyền của cổ đông.

Luật sư Đức đã tổng hợp được hơn 40 điều thay đổi trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sửa: Một số khái niệm, như cổ tức, người có liên quan (Điều 4); bỏ: Quyền tố cáo của doanh nghiệp (Điều 7.10); Thêm: Lưu phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu (Điều 11.1); Sửa: Thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật (Điều 12); Bỏ: Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý DN (Điều 12 cũ); Thêm: Đối tượng bị cấm thành lập, quản lý DN (Điều 17.2); Thêm: ĐKDN qua bưu chính & mạng thông tin điện tử (Điều 26.1); Sửa: Ghi nhận vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân (Điều 28.4); Bỏ: Nội dung & thủ tục sử dụng con dấu (Điều 43); Thêm: Loại trừ thời hạn làm thủ tục góp vốn (Điều 47.2, 113.1); Sửa: Không buộc có BKS Cty TNHH > 2 TV, trừ DNNN (Điều 55); Sửa: Tất cả thành viên còn lại ký Biên bản họp (Điều 60.3, 158.2); Thêm: Hợp pháp khi 100% thông qua NQ của Cty > 2 TV (Điều 62.2); Thêm: Cty TNHH > 2 TV công bố thông tin như Cty cổ phần (Điều 72); Thêm: Cty TNHH > 2 TV phát hành trái phiếu như Cty cổ phần (Điều 74.4); Bỏ: Cty TNHH 1 TV phải có Kiểm soát viên, trừ DNNN & Cty con (Điều 79); Thêm: Tỷ lệ > 65% vốn Cty TNHH 1 TV thông qua NQ (Điều 80.5 & 6); Sửa: Tỷ lệ dự họp & biểu quyết > 51% => > 50% (Điều 80, 145, 148); Sửa: Thay đổi khái niệm DNNN > 50 vốn Nhà nước (Điều 88); Sửa: Bỏ bắt buộc Ban kiểm soát tại Công ty TNHH 1 TV, trừ DNNN (Điều 90); Sửa: 1 cá nhân có thể làm Trưởng Ban & KSV < 04 DNNN (Điều 103.2); Bỏ: Trưởng BKS là KTV, KTV & làm việc chuyên trách (106.1, 168.2); Thêm: Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Điều 114.6); Bỏ: Có quyền khi sở hữu cồ phần > 6 -12 tháng (Đ 115.1+5, 153.4, 166); Thêm: > 75% ưu đãi với Nghị quyết thay đổi bất lợi (117.3; 118.4 148.6).

Ngoài ra Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã Bỏ: Tóm tắt thủ tục chuyển nhượng trong cổ phiếu (Điều 120.1.đ); Bỏ: Có thể yêu cầu đăng báo việc mất cổ phiếu > 10 triệu (Điều 121); Thêm: Chào bán chứng khoán riêng lẻ (Điều 125.1,128.1); Thêm: Phải ĐK thay đổi cổ đông < 24h khi được yêu cầu (Điều 127.7); Sửa: Ủy ban Kiểm toán thay cho Ban Kiểm toán (Điều 137.1, 161); Thêm: 4 nội dung thuộc quyền của ĐHĐCĐ (Điều 138.2, 167.3.b); Sửa: HĐQT gia hạn họp ĐHĐCĐ (Điều 139.2); Sửa: Lập danh sách cổ đông dự họp trước gửi < 10 ngày (cũ 5) (Điều 141.1); Sửa: Thông báo mời họp ĐHĐCĐ gửi > 21 ngày (cũ 10) (Điều 143.1); Bỏ: Ủy quyền họp ĐHĐCĐ cho 1 người & theo mẫu (Điều 144.2); Sửa: Thành viên độc lập HĐQT < 2 nhiệm kỳ (Điều 154.2); Thêm: Cấm Chủ tịch HĐQT Cty đại chúng kiêm GĐ (Điều 156.2); Sửa: Thành lập thư ký công ty thay vì thư ký HĐQT (Điều 156.5); Thêm: DN tư nhân chuyển thành hợp danh & cổ phần (Điều 202 - 205); Sửa: Thông báo tạm ngừng kinh doanh trước trên 3 ngày làm việc (Luật cũ là 15 ngày) (Điều 206);

Kết lại bài trình bày, Luật sư Trương Thanh Đức đã hướng dẫn các doanh nghiệp cách ứng xử với Luật, nên làm thế nào khi luật cấm, hoặc cho hoặc Luật còn bỏ ngỏ?

Ngay sau phiên trình bày của Luật sư Lê Đình Vinh và Luật sư Trương Thanh Đức, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tổ chức tọa đàm, trả lời câu hỏi của các doanh nhân và nhà báo. Các diễn giả Ts.,Ls. Lê Đình Vinh - Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink; Ls. Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO; Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Thanh Hải - Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội), Chủ tịch Ủy ban Pháp Luật của AmCham Hanoi, Luật sư cao cấp của Công ty Luật Baker McKenzie tại Việt Nam; Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) đã tham gia tọa đàm này.

Tuấn Hữu

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/luat-doanh-nghiep-va-luat-dau-tu-2020-doanh-nghiep-can-lam-gi-n22955.html