Luật Giá năm 2023: Đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý giá

Luật Giá năm 2023 đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, khuyến khích cạnh tranh về giá; tạo môi trường pháp lý ổn định, đẩy mạnh sự phân công, phân cấp trong quản lý giá; đồng thời củng cố, kiện toàn các quy định để nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.

Toàn cảnh cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch Nước về Luật Giá năm 2023. Ảnh: H.Ngọc

Bổ sung thức ăn chăn nuôi vào danh mục hàng hóa bình ổn giá

Luật Giá năm 2023 nêu rõ vai trò của Chính phủ sẽ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung. Thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa dịch vụ, cấp UBND tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý. Việc phân công, phân cấp như vậy là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để thuận lợi triển khai, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm.

Luật quy định 42 nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với quy định rõ về thẩm quyền định giá, đồng thời gắn với từng bộ, ngành, địa phương và hình thức định giá được quy định cụ thể, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Về phương pháp định giá, đã phân định rõ trách nhiệm ban hành phương pháp định giá chung của Bộ Tài chính và phương pháp định giá riêng của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực riêng trong trường hợp pháp luật có quy định về phương pháp định giá riêng. Ví như giá đất, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục, giá nhà ở, một số mặt hàng theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Công tác bình ổn giá cũng được củng cố, kiện toàn phù hợp với thực tế hiện nay. Cụ thể, danh mục hàng hóa bình ổn giá đã bổ sung mặt hàng thức ăn chăn nuôi; đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng điện, muối ăn, đường ăn.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 9 mặt hàng là: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Phân đạm, phân DAP, phân NPK; Thức ăn chăn nuôi; Vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định rõ hơn về các biện pháp bình ổn giá, quy trình triển khai bảo đảm thuận lợi, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, trường hợp phát sinh tình huống đặc biệt như tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, dịch bệnh, thiên tai, luật cũng bổ sung cơ chế triển khai bình ổn giá ngay đối với các hàng hóa, dịch vụ ngoài danh mục Quy định này tạo sự linh hoạt cho việc triển khai bình ổn giá trong các tình trạng cấp bách, cần triển khai gấp, kịp thời.

Quản lý chặt chẽ hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp

Luật Giá năm 2023 khẳng định rõ tính chất của hoạt động thẩm định giá là hoạt động tư vấn, “bán lời khuyên” về giá trị tài sản thẩm định giá, không có ý nghĩa quyết định trong việc định giá tài sản. Việc quyết định giá tài sản vẫn do chủ sở hữu theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự. Mặt khác, Luật cũng quy định rõ nghĩa vụ phải bảo đảm tuân thủ các quy định về đạo đức, chuyên môn tại Chuẩn mực Thẩm định giá Việt Nam của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn của mình. Trường hợp có sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật các quy định này nhằm hướng đến quyền đi đối với trách nhiệm, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.

Luật củng cố, hoàn thiện các điều kiện về thi, cấp thẻ thẩm định viên về giá, hành nghề thẩm định giá để bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy ngành nghề phát triển. Quản lý chặt chẽ hơn hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp, hạn chế sai phạm trong quá trình thực hiện.

Quy định chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản. Theo đó, thẻ thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa theo 2 lĩnh vực gồm: thẩm định giá tài sản (bất động sản, động sản và các hàng hóa dịch vụ thông thường) và thẩm định giá doanh nghiệp (doanh nghiệp, tài sản tài chính…). Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên sâu, tiết kiệm nguồn lực xã hội trong học tập, bồi dưỡng kiến thức và thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá.

Một điểm mới quan trọng tại Luật Giá năm 2023 là quy định việc kê khai giá được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện sau khi quyết định giá, tạo thuận lợi hơn cho thực tiễn triển khai tại đơn vị. Trước đó, Luật Giá năm 2012 là phải kê khai trước khi quyết định giá.

Luật dành 1 Chương về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá. Qua đó, tăng cường cơ sở pháp lý cho khâu giám sát, hậu kiểm việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong tuân thủ quy định pháp luật về giá.

Luật Giá có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Giá năm 2023. Trong đó, tập trung triển khai ngay việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật, qua đó đưa Luật sớm đi vào cuộc sống. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kiến nghị, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với các quy định tại Luật Giá năm 2023. Tổ chức quán triệt việc thực hiện, phổ biến, tập huấn Luật Giá năm 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/luat-gia-nam-2023-day-manh-phan-cong-phan-cap-trong-quan-ly-gia-i338014/