'Luật hiện hành có sự bất cập về trường quốc tế'

Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, hiện nay, luật không có quy định cụ thể về loại hình trường quốc tế. Trong khi đó, nhiều trường quốc tế trên thế giới đang hoạt động ở Việt Nam.

Sở GD&ĐT TP.HCM và Hà Nội vừa công bố danh sách các trường quốc tế hoạt động trên địa bàn. Tổng cộng 2 thành phố trên có 24 trường quốc tế. Trong quy định của luật hiện hành, các cơ sở này được gọi tên là trường có yếu tố nước ngoài, chứ không phải trường quốc tế.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng cập nhật khái niệm "trường quốc tế" trong luật.

Nhiều trường quốc tế không được công nhận

- Theo quy định của luật hiện hành, Việt Nam có loại hình trường quốc tế hay không? Nếu có, định nghĩa cụ thể như thế nào?

- Theo Luật Giáo dục năm 2005 (đang có hiệu lực) và Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020), nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: Trường công lập do Nhà nước thành lập; trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập; trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thành lập.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, bao gồm: Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo điều 29, tên trường có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: Trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng. Mô hình này có thể được gọi chung là các cơ sở giáo dục có hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài.

Tóm lại, “trường quốc tế” không phải là thuật ngữ pháp lý hay chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Chiếu theo các quy định này, nhiều cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế.

Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường với nghĩa danh từ nhằm thể hiện tên riêng mà không được hiểu với nghĩa tính từ nhằm thể hiện đẳng cấp thực sự của trường.

- Nếu không tồn tại loại hình trường này, việc các trường gắn từ quốc tế vào tên của mình có bị xem là vi phạm pháp luật hay không?

- Theo Nghị định số 138/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, việc các trường gắn từ “quốc tế” vào tên của mình không phải là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NVCC.

Việc các trường học gắn tên “quốc tế” có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng, đồng thời, phải khắc phục hậu quả bằng việc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo và cải chính thông tin sai sự thật.

Nếu quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội đó, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

- Các nước trên thế giới có loại hình trường quốc tế không? Nếu có, nó được hiểu và quy định như thế nào?

- Theo nhiều nghiên cứu gần đây, tiêu chí của một trường quốc tế trên thế giới được thừa nhận chung như sau:

Thứ nhất, trường cung cấp giáo dục dựa trên giá trị (values-based education) mà tuyên ngôn sứ mệnh điển hình bao gồm các cụm từ như “công dân toàn cầu có trách nhiệm”, “tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, “giáo dục vì sự hiểu biết quốc tế”, “trở thành công dân thế giới tích cực”.

Thứ hai, việc học trong nhiều trường hợp được xây dựng dựa trên một hay nhiều chương trình giáo dục quốc tế của các tổ chức quốc tế như International Baccalaureate, Fieldwork Education, Cambridge International Examinations...

Cuối cùng, bằng cấp, chứng chỉ của các trường này có tính liên thông giữa các trường hoặc được công nhận bởi ít nhất một tổ chức giáo dục quốc tế.

Với các tiêu chí này, các trường quốc tế trên thế giới ngày nay là tập hợp của những trường quốc tế thực sự lẫn các trường quốc tế tự phong và/hoặc có yếu tố nước ngoài hay có định hướng quốc tế.

Tóm lại, tên gọi trường quốc tế” chỉ nên là hệ quả của việc một trường thực sự đạt được những tiêu chí quốc tế trong hoạt động dạy học, chứ không chỉ dừng lại ở việc quảng bá về “hạ tầng 5 sao”.

Thực tế đã tồn tại trường quốc tế ở Việt Nam

- Sở GD&ĐT TP.HCM và Hà Nội đã công bố danh sách một số trường được hiểu là trường quốc tế vì có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài. Theo ông, các trường này có phải là trường quốc tế không?

- Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có yếu tố nước ngoài, được thành lập và hoạt động theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP với hai hình thức:

Cơ quan công quyền, mà trước hết là Bộ GD&ĐT, cần nhanh chóng bổ sung các quy định pháp luật, nhằm tạo ra hành hang pháp lý minh bạch và hữu hiệu đối với các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế hoặc theo định hướng quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang

Một là, những trường có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài (với tỷ lệ học sinh Việt Nam thấp hơn 50% tổng số học sinh).

Hai là, những trường được phép dạy thí điểm chương trình nước ngoài hoặc chương trình tích hợp (kết hợp chương trình nước ngoài với chương trình Việt Nam).

Sở GD&ĐT TP.HCM quản lý 21 trường có yếu tố nước ngoài. Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý 11 trường có yếu tố nước ngoài. Theo quy định của luật hiện hành, tất cả trường này đều là tư thục.

Ngoài ra, hiện nay, nhóm các trường quốc tế thuộc hệ thống giáo dục nước ngoài đặt cơ sở ở Việt Nam gồm: Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội - UNIS (được thành lập bởi Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam); trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (chịu sự quản lý trực tiếp của Cơ quan Giáo dục Pháp); trường Quốc tế Anh và Trường Quốc tế Việt Anh (được bảo trợ bởi Tổ chức Giáo dục Nord Anglia của Vương quốc Anh); trường Concorida (thuộc hệ thống trường của Lutheran Church - Missouri Synod Mỹ), trường St. Paul (được bảo trợ bởi hệ thống trường Quốc tế Nacel Mỹ) hoặc trường phổ thông của các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam như Liên bang Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các trường này không chịu sự quản lý về chuyên môn của sở GD&ĐT địa phương.

- Sự tồn tại của các trường quốc tế trên thực tế nhưng không được quy định trong luật cho thấy sự bất cập, lỗ hổng của pháp lý?

- Có thể nói, bất cập lớn nhất không hẳn là việc trường mầm non và phổ thông tư thục được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, áp dụng các chương trình giáo dục quốc tế song song chương trình giáo dục của Việt Nam, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) tự gắn nhãn “quốc tế” như đã phân tích ở trên. Bởi nhu cầu dạy học theo định hướng quốc tế là có thật và hết sức chính đáng giữa thời đại toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bất cân xứng thông tin giữa nhà trường với phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung, nhu cầu này có thể bị ai đó lợi dụng để tối đa hóa lợi nhuận từ dịch vụ giáo dục.

Từ thực tiễn trên, cơ quan công quyền, mà trước hết là Bộ GD&ĐT, cần nhanh chóng bổ sung các quy định pháp luật, nhằm tạo ra hành hang pháp lý minh bạch và hữu hiệu đối với các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế hoặc theo định hướng quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Điển hình là cần luật hóa khái niệm “trường quốc tế” và phân loại chúng một cách đầy đủ, chính xác và dễ hiểu nhất.

- Với tư cách là phụ huynh, lại hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và luật, ông có lời khuyên nào đối với cha mẹ đang muốn tìm kiếm môi trường quốc tế cho con mình?

- Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của cơ sở vật chất trong mọi mặt của cuộc sống. Nhưng với giáo dục, triết lý giáo dục nhân bản cùng tâm sáng, trí cao của đội ngũ sư phạm mới thực sự tạo nên đẳng cấp của nhà trường và giúp ích cao nhất cho người học. Sự tử tế trong giáo dục của mỗi nhà trường thậm chí chẳng cần một tổ chức giáo dục quốc tế nào đó công nhận.

Thực tế, không ít nhà trường không hề dùng tên “quốc tế” nhưng họ vẫn kiên trì đeo đuổi và đạt được những thành tựu thực sự “quốc tế”.

Một mặt, chính quyền phải đồng hành cùng phụ huynh bằng việc hoàn thiện và vận hành thể chế quản lý giáo dục một cách lành mạnh. Mặt khác, mỗi phụ huynh hãy xét đoán môi trường sư phạm một cách toàn diện hơn để có những lựa chọn phù hợp nhất cho trẻ nhỏ cũng như hoàn cảnh của gia đình mình.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/luat-hien-hanh-co-su-bat-cap-ve-truong-quoc-te-post981705.html