Luật Hộ tịch, Căn cước và những điều cần biết

Luật hộ tịch đã mở ra thời kỳ mới cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở Việt Nam với nhiều điểm mới quan trọng.

Qua gần 60 năm thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên cơ sở các Nghị định của Chính phủ, chủ yếu bằng biện pháp thủ công, ngày 20/11/2014, lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua một đạo luật về hộ tịch. Đây là đạo luật điều chỉnh một cách tập trung, tổng thể các vấn đề về hộ tịch.

Luật hộ tịch đã mở ra thời kỳ mới cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở Việt Nam. Cũng lần đầu tiên, Luật Hộ tịch đã tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đồng bộ, thống nhất trên cả nước mà trọng tâm là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung tại tất cả các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch.

Luật Hộ tịch

Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

 Bìa sách Luật Hộ tịch. Ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Bìa sách Luật Hộ tịch. Ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Luật gồm 7 chương, 77 điều, quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, tại cơ quan đại diện; cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Luật này có những điểm mới quan trọng sau:

- Thẩm quyền đăng ký khai sinh đã được sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Trước đây, UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ được ưu tiên đăng ký khai sinh, giờ mở rộng thẩm quyền cho cả UBND xã nơi cư trú của cha và mẹ đều có thẩm quyền đăng ký khai sinh như nhau.

- Trên giấy khai sinh, ngoài thông tin cha mẹ sẽ ghi thêm số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Về sau, đây sẽ là số chứng minh thư/thẻ căn cước công dân của người được đăng ký khai sinh.

- Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch đối với các trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, đăng ký hộ tịch cho các đối tượng thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.

- Thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, từ UBND cấp tỉnh chuyển sang thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

- Bổ sung các quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, nhằm đặt nền móng vững chắc để hướng đến hoàn thành Chính phủ điện tử.

Hộ tịch - Cẩm nang nghiệp vụ

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đã tạo bước đột phá lớn, làm thay đổi căn bản diện mạo và chất lượng của công tác hộ tịch trên cả nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ, khi chưa xây dựng xong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa các dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy vào phần mềm điện tử, hình thức đăng ký hộ tịch trực tuyến mới chỉ áp dụng sơ khai tại một số địa phương, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được thực hiện nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đăng ký hộ tịch điện tử trên môi trường mạng không phụ thuộc vào nơi cư trú, thì còn nhiều công việc trong quy trình đăng ký, quản lý hộ tịch vẫn phải làm thủ công hoặc bán thủ công.

Bìa sách Cẩm nang Hộ tịch. Ảnh: NXB Tư pháp.

Trong hoàn cảnh đó, việc nắm vững các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ để có thể xử lý linh hoạt mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đối với người làm công tác hộ tịch là vô cùng quan trọng. Song song với việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về hộ tịch, thì việc biên soạn tài liệu nghiệp vụ nhằm trang bị, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch và cung cấp thông tin cho người dân quan tâm đến lĩnh vực này, cũng vô cùng cần thiết. Với mục đích đó, Nhà xuất bản Tư pháp tái bản cuốn “Hộ tịch - Cẩm nang nghiệp vụ” do tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp biên soạn.

Cuốn sách sẽ cung cấp cho cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch một cách tổng thể, toàn diện các quy định của pháp luật về hộ tịch, cách thức xử lý một số tình huống phát sinh từ thực tiễn đăng ký, quản lý lĩnh vực này tại các địa phương.

Luật Căn cước công dân

Luật Căn cước công dân (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Luật gồm 6 chương, 39 điều, quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nội dung cuốn sách là văn bản được nhất thể hóa từ Luật Căn cước công dân năm 2014 và Luật Cư trú năm 2020.

Minh Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luat-ho-tich-can-cuoc-va-nhung-dieu-can-biet-post1390909.html