Luật hóa việc chơi hụi không dễ

Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ban hành ngày 27/11/2006 lần đầu tiên điều chỉnh về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụim) với nhiều quy định ghi nhận tập quán tốt đẹp, tương thân tương ái trong đời sống người dân, nhất là ở nông thôn. Đây là nỗ lực luật hóa các hình thức hụi vốn ăn sâu trong đời sống mà nhiều năm qua, luật pháp chưa can thiệp được.

Bên cạnh Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, Bộ luật Dân sự năm 2015 có một điều khoản điều chỉnh về hụi (Điều 471). Ngoài ra, còn có một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh gián tiếp như Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Điều 140 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Điều 163 về Tội cho vay lãi nặng…); các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình (quy định hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản…

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kể từ khi Nghị định số 144/2006/NĐ-CP có hiệu lực thi hành cho đến nay, cơ quan kiểm sát các cấp đã kiểm sát việc giải quyết 33.809 vụ việc dân sự liên quan đến hoạt động họ, hụi, biêu, phường. Cơ quan công an thì ghi nhận hơn chục năm qua, cả nước xảy ra hàng trăm vụ vỡ hụi lớn với thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng, Công an cấp cơ sở đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động họ.

Trong một văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết thời gian vừa qua các tranh chấp về hụi xảy ra nhiều, với tính chất ngày càng phức tạp, do đó ngoài các biện pháp như hòa giải cơ sở, thương lượng... các tranh chấp về hụi cũng được giải quyết thông qua con đường tố tụng tại tòa án ngày càng nhiều. Từ năm 2006 đến nay, tổng số vụ việc được ngành tòa án nhân dân thụ lý tại 5 địa phương gồm TPHCM, Cà Mau, Hậu Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ là hơn 8.000 vụ việc. Các cơ quan thi hành án dân sự tại 36 tỉnh, thành phố đã giải quyết 14.862 vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hụi, tương ứng với số tiền được thi hành gần 600 tỉ đồng.

Phân biệt dân sự hay hình sự rất khó

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP “Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ”, quy định này có thể gây nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật đối với các chủ thể và cơ quan tư pháp, cơ quan công an khi điều tra, xét xử.

Theo Bộ Tư pháp, có nơi tòa án khi giải quyết tranh chấp về hụi, do không tìm được các căn cứ để áp dụng Nghị định số 144, thay vì áp dụng các quy định chung và quy định về lãi suất của Bộ luật Dân sự thì một số tòa án đã tuyên giao dịch vô hiệu; bên cạnh đó, có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hiểu là phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người tham gia hụi nên đã khởi tố vụ án hình sự trong những trường hợp chưa thực sự cần thiết.
Hình thức hụi có lãi ngày càng phát triển kéo theo nhiều biến tướng phức tạp về loại hình này không chỉ với mục đích tương trợ như nghị định 144 đã đề cập, mà còn với mục đích “kinh doanh”, từ đó nảy sinh nhiều tranh chấp phức tạp về quyền và lợi ích của người tham gia, một số tranh chấp đã bị xử lý theo trình tự tố tụng dân sự hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

Nghị định số 144 không có quy định về giới hạn 1 người có thể làm chủ mấy dây hụi, dẫn đến một người có thể là chủ hụi của nhiều dây hụi, tạo nên mạng lưới chồng chéo nhau, do đó, khi vỡ nợ, chủ hụi thường mất khả năng thanh toán, kéo theo phản ứng dây chuyền, tác động xấu đến người tham gia hụi và an ninh ở địa phương. Nhiều trường hợp, các thành viên tham gia góp hụi với số tiền lớn khi chưa đủ tuổi thành niên hoặc thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự.

Ra tòa khó xử

Theo Điều 8 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP những người tham gia họ có thể thỏa thuận về các nội dung như chủ hụi, số người tham gia, phần hụi... đây là quy định mang tính chất định hướng, không mang tính bắt buộc nên các thành viên tham gia hụi được quyền thỏa thuận đầy đủ các nội dung nêu trên hoặc là không thỏa thuận mà không bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý.

Nhưng trên thực tế các thành viên tham gia hụi không thỏa thuận về chuyển giao phần hụi, việc ra khỏi hụi, chấm dứt hụi, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cụ thể là lãi suất và mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ giao hụi hoặc chậm giao. Do đó, tòa án lúng túng trong việc xác định lãi suất, chứng cứ và mức bồi thường thiệt hại.

Theo Điều 7 Nghị định số 144 về hình thức của hụi của người tham gia hụi có thể thỏa thuận bằng lời nói, không bắt buộc thỏa thuận bằng văn bản hoặc phải công chứng, chứng thực, tuy nhiên trong thực tế, khi giải quyết tranh chấp, các bên không thừa nhận (do thực hiện giao dịch bằng lời nói) hoặc văn bản bị tẩy xóa, ghi thêm (do không công chứng, chứng thực). Bên cạnh đó, các hụi viên khi nộp tiền họ thường không đòi hỏi hóa đơn, chứng từ gì đảm bảo; nếu có thì chủ hụi thường chỉ đánh dấu vào sổ hụi và đảm bảo bằng miệng. Trong các tranh chấp đã xảy ra, tòa án khó khăn trong việc xác định chứng cứ, sự thật khách quan của vụ án.

Lấn cấn cách tính lãi suất

Thường một chu kỳ hụi có lãi theo tháng người hốt trước phải đóng nhiều tiền, người hốt sau phải đóng ít tiền hơn.

Ví dụ có 10 người chơi, tháng đầu mỗi người đóng 850.000 đồng, người lấy xong tháng sau đóng 1.000.000 đồng cho tới hết chu kỳ. Người hốt tháng bất kỳ sẽ lấy tổng số tiền mà tất cả những người tháng đó đóng và trả tiền công cho chủ hụi là 1.000.000 đồng.

iều 10 Nghị định số144 quy định “Trong trường hợp họ có lãi thì lãi suất đối với phần họ được thực hiện theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự.” Quy định này là không còn phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về cách tính lãi suất.

Thực tế thì trong thỏa thuận hụi không chỉ có dạng hụi có lãi mà còn có hụi không có lãi hoặc có thỏa thuận lãi nhưng không thể xác định mức lãi, rồi trường hợp mất sổ hụi hoặc có thỏa thuận về lãi suất nhưng không có giấy tờ chứng minh hoặc những người tham gia hụi không thống nhất được mức lãi suất…

Nhiều người cho rằng vì quan hệ hụi có tính chất đặc thù là có nhiều người cùng tham gia vay và có nhiều thời điểm trả nợ khác nhau, do đó hụi có nhiều đặc điểm khác với vay nợ thông thường, khi có tranh chấp phải giải quyết, nếu tính lãi theo Bộ luật Dân sự thì nhiều trường hợp lại gây thiệt hại cho cho những người cho vay khác. Từ đó dẫn đến một số người lợi dụng bỏ lãi suất cao để hốt hụi, sau đó nếu xảy ra tranh chấp thì chính người bỏ lãi hụi lại có lợi, vì được tòa án áp dụng mức lãi suất trần theo Bộ luật Dân sự thấp hơn nhiều so với mức lãi suất họ đã thỏa thuận và được hưởng trước đó.

Đông Hòa

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/280160/luat-hoa-viec-choi-hui-khong-de.html