LUẬT PHÁP PHẢI ĐI VÀO ĐỜI SỐNG

Luật pháp ra đời là một thành tựu vĩ đại của xã hội văn minh, dùng để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội. Bởi thế, trong một xã hội ngày càng tiến bộ thì văn minh nhất khi giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn là sử dụng đến các 'kênh' pháp lý.

Dù vậy, trên thực tế, khi có những vướng mắc liên quan đến pháp luật, người dân luôn có tâm lý sợ, ngại và lúng túng. Đặc điểm văn hóa này được hình thành do nhiều yếu tố, nhưng không thể phủ nhận, nhiều người trong chúng ta ngại học, ngại tìm hiểu, dẫn đến không hiểu và không muốn dùng đến luật pháp.

 Ảnh minh họa. Nguồn: vietnam law firm

Ảnh minh họa. Nguồn: vietnam law firm

Cảm giác sợ liên quan đến pháp luật là hiện tượng tâm lý có thật. Chỉ đơn cử như những vấn đề bình thường trong cuộc sống mà cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm tra, duy trì, thực thi thì thay vì coi việc đó là cần thiết, nhiều người trong chúng ta chưa biết đúng, sai đã vội vàng xin xỏ, nhờ vả, thậm chí hối lộ lực lượng chức năng. Khá phổ biến tình trạng người dân bị kẻ xấu giả danh lực lượng chức năng lừa đảo một cách lãng xẹt. Nhẹ thì cung cấp thông tin cá nhân, nguy hại hơn thì cung cấp các thông tin liên quan đến bí mật của mình, điển hình như thực hiện ngay một giao dịch gửi tiền, chuyển tiền cho kẻ xấu... Trong khi với những vụ việc này, thay vì bình tĩnh xác minh xem đối tượng đòi hỏi các thông tin ấy là ai, việc làm ấy có đúng pháp luật hay không... thì nhiều người đã răm rắp thực hiện ngay theo yêu cầu của kẻ xấu.

Vấn đề lựa chọn "kênh" pháp lý để giải quyết các tranh chấp phần lớn người dân chưa quen. Bởi thế, thay vì dùng đến pháp luật, nhiều người đã chọn cách tự xử lý, tự giải quyết một cách trái pháp luật. Thậm chí, tình trạng “tự xử” bạo lực kiểu “luật rừng” thay cho luật pháp rất đáng lo ngại. Suy nghĩ cho rằng “vô phúc đáo tụng đình” vẫn còn phổ biến với người dân; và họ luôn nhìn nó với con mắt săm soi hơn là thái độ ủng hộ. Điều này có thể nhìn nhận rằng, tâm lý cố kết cộng đồng, văn hóa dòng họ, làng xã đã hình thành nên văn hóa của chúng ta. Điều này là vốn quý nhưng nó cũng dễ tạo ra sự cam chịu, chấp nhận thua thiệt, “dĩ hòa vi quý”. Văn hóa đó cũng khiến nhiều người ngại va chạm, ngại đấu tranh và đáng tiếc nhất là không biết sử dụng đến pháp luật là cách thức bảo vệ mình. Không chỉ cho rằng “vô phúc đáo tụng đình” mà quan niệm “được vạ thì má sưng”, “con kiến kiện củ khoai”... cũng trở nên phổ biến. Vì thế, nó càng đẩy người dân xa pháp luật, thiếu kiến thức pháp luật, thiếu niềm tin, thiếu tôn trọng pháp luật; hậu quả là dễ có hành vi chệch khỏi chuẩn mực pháp lý. Trong một xã hội văn minh, trọng tình là vốn quý nhưng điều quan trọng nhất là mọi người phải hành xử theo pháp luật.

Đành rằng pháp luật là khô và khó, nhưng nó là công cụ quan trọng nhất để duy trì, vận hành trật tự xã hội. Khó thì không có cách nào khác là phải làm quen, phải tìm hiểu, phải học. Mà việc đầu tiên là phải bỏ qua được rào cản tâm lý ngại, thờ ơ, duy tình thay vì duy lý. Ngoài tính bắt buộc thì nó cũng là nhu cầu chính đáng để người dân tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Quá trình xây dựng, ban hành hệ thống luật pháp là vô cùng quan trọng, đặc biệt cần thiết. Nhưng một vấn đề cũng quan trọng không kém đó là đưa luật vào đời sống xã hội. Nó đòi hỏi sự đồng bộ từ giải thích luật, hướng dẫn luật, phổ biến và thực thi pháp luật. Đây là vấn đề còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Luật phải đi vào đời sống mới có giá trị để xây dựng ý thức, văn hóa pháp luật. Chỉ khi pháp luật được thực thi nghiêm túc, chuẩn mực, đúng đắn thì xã hội mới thượng tôn pháp luật.

Chúng ta cần tiếp tục quan tâm, triển khai giảng dạy, tuyên truyền pháp luật một cách hệ thống đến mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Tùy vào từng cấp học nhưng pháp luật cần được giáo dục, giảng dạy phổ biến trong các nhà trường. Mọi người dân, dù ở lĩnh vực nào, điều kiện ra sao cũng phải được thường xuyên tiếp cận, phổ biến những kiến thức này. Nâng cao trình độ hiểu biết luật pháp thông qua tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân luôn là thiết yếu trong xã hội. Mỗi chúng ta cần phải học luật để hành động theo luật.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/luat-phap-phai-di-vao-doi-song-627412