Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Cố gắng hài hòa lợi ích doanh nghiệp và sức khỏe người dân

Ngày 16/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải thay đổi tên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sang cụm từ khác như 'Luật Kiểm soát rượu bia'. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc Tòng Thị Phóng, để đi đến phương án cuối cùng thì cần phải nghiên cứu thêm.

Tranh luận gay gắt về tên luật

Đóng góp vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật: Tôi cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để có những chế tài cụ thể mạnh mẽ hơn nhằm kiểm soát việc sản xuất bia, rượu không đảm bảo, kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia không chỉ gây ảnh hưởng cho người uống, mà còn cả cộng đồng, xã hội.

Về nội dung, đại biểu Trần Quang Chiểu cơ bản nhất trí với dự thảo luật, nhưng đề nghị cơ quan thẩm tra cần nắm rõ rượu và bia là hai sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau, do vậy không nên đồng nhất xử phạt các chế tài giống nhau là trái với quy định của pháp luật. "Về tên gọi của luật là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” chẳng khác nào khẳng định rượu và bia là hoàn toàn có hại. Từ đó, có thể gây ra hiểu nhầm không đáng có”, đại biểu Trần Quang Chiểu lưu ý.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) tranh luận tại Quốc hội

Hơn nữa, hiện nay trên thế giới và ngay thị trường trong nước của chúng ta đã có những sản phẩm có độ cồn với nồng độ tương đương với bia, song không đăng ký là bia. Nếu luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia là chưa bao quát hết thực tiễn diễn ra và mục đích của luật khi chúng ta ban hành. Do đó, tôi đề nghị tên của luật cần bao quát được thực tiễn, dễ hiểu, phản ánh được bản chất đúng nội dung của luật. “Theo tôi, tên của luật cần bao quát thực tiễn dễ hiểu, phản ánh đúng nội dung của luật và nên đổi thành thành Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”, đại biểu Trần Quang Chiểu bày tỏ.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.Hồ Chí Minh) kiến nghị về tên gọi "Luật Kiểm soát rượu bia" để có sự bao quát , chính xác hơn về mục tiêu. Đại biểu phân tích, nếu chỉ nói phòng chống tác hại của rượu bia thì chỉ đề cập đến khía cạnh y tế, trong khi rượu bia phải xét trên nhiều khía cạnh, cả y tế, kinh tế, văn hóa và thói quen lâu đời.

Kiểm soát rượu bia thì sẽ phân định được trách nhiệm nhà nước sẽ kiểm soát khâu sản suất, lưu thông; người uống phải tự kiểm soát việc sử dụng rượu bia trong chừng mực để dần thay đổi văn hóa.

Giơ bảng tranh luận ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nhấn mạnh dự luật không cấm rượu bia mà "phòng chống các tác hại của rượu bia đối với sức khỏe".

"Mục đích hướng đến của luật là ngăn sự lạm dụng, uống quá độ, nghiện bia rượu, uống có mức nguy hại. Cho dù rượu hay bia thì bản chất vẫn là đưa ethanol vào cơ thể, nếu uống ít thì không sao nhưng uống nhiều thì sẽ gây tác hại. Bởi vậy mục đích của luật là ngăn lạm dụng chứ không ngăn sử dụng", đại biểu Nguyễn Quang Tuấn khẳng định.

Các đại biểu tán đồng quan điểm của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cũng cho rằng dù khó khăn, dù ảnh hưởng đến nguồn thu, luật này vẫn phải quyết tâm hoàn thành vì sức khỏe, tương lai người Việt. Các đại biểu đề nghị phải triệt tiêu cho được các lợi ích xen kẽ, len lỏi trong hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn đối với dự luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Tiến tới giảm tác hại của rượu, bia

Đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) về cơ bản đồng tình với những điều trong dự án luật. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thảo cho rằng, cách tiếp cận chưa được toàn diện, chỉ được tiếp cận theo y tế, quy định các biện pháp giảm cung giảm cầu, giảm tác hại của rượu, bia.

Cuối phiên thảo luận, thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng từ nhiều góc cạnh khác nhau của các đại biểu, trên tinh thần xây dựng Luật có lợi cho người dân ở mức cao nhất.

Khẳng định quá trình làm luật này rất khó khi có sự "đối đầu" giữa mong muốn bảo vệ sức khỏe con người tối đa và các nhà sản xuất, kinh doanh muốn doanh thu lợi nhuận, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Luật cố gắng tiếp cận hài hòa giữa các yếu tố sức khỏe, kinh tế và xã hội, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe con người. Các khía cạnh khác được chi phối bởi các luật khác và phải đồng bộ với các luật hiện hành, có tính khả thi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu góp ý tại Quốc hội

Với kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng Luật dựa theo nguyên tắc cơ bản là giảm tính sẵn có của rượu bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia để giảm người uống, tăng nguồn thu ngân sách và kiểm soát quảng cáo rượu bia.

Về tên gọi của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn được giữ như phương án 1 với lý do vừa dễ hiểu, vừa đơn giản. Luật sẽ chỉ phòng chống tác hại của rượu bia trong cả quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, cách uống mà không đả động đến văn hóa của rượu bia hiện nay. "Không phải khi Luật ban hành là cấm rượu bia và cấm uống rượu bia, mà hướng người uống đến sự văn minh hơn với chén rượu ngon. Đó là nét văn hóa mà không ai đụng chạm, cản trở" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Phát biểu tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, vấn đề về tên gọi của Luật được đưa ra khá nhiều, nhưng để đi đến phương án cuối cùng thì cần phải nghiên cứu thêm.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của bia, rượu. Ở kỳ họp giữa năm 2019, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua đạo luật này.

Lan Anh- Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-co-gang-hai-hoa-loi-ich-doanh-nghiep-va-suc-khoe-nguoi-dan-111893.html