Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Không chờ đến khi lạm dụng!

Với mục tiêu cảnh báo, phòng ngừa, không chỉ đến khi lạm dụng rượu, bia rồi mới phòng, chống tác hại vì hậu quả đã xảy ra, sẽ khó khắc phục hơn, Bộ Y tế đề nghị tên Luật là Luật phòng chống tác hại của rượu bia mà không cần thêm từ 'lạm dụng'.

Sáng nay (9/11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trình bày trước Quốc hội tờ trình Dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (PCTHRB).

Phần đầu của tờ trình do Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, nếu so với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Theo báo cáo của WHO (2014) tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Nghiên cứu của WHO phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trên 14.990 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện tại 6 tỉnh thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50 mg/dl), 63,4% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0 mg/dl).

Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.

Nhiều hộ gia đình Việt Nam (HGĐ) đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến rượu, bia. 11% HGĐ xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất…

Theo Bộ trưởng, trước những tác hại nhỡn tiền như trên, Dự án Luật đã quy định các nội dung cơ bản dựa trên 5 chính sách mà Quốc hội đã thông qua trước đó.

Thứ nhất, quy định các đối tượng, trường hợp không được uống rượu, bia và các địa điểm, đối tượng, phương thức không được bán rượu, bia;

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ đối với quảng cáo rượu, bia, tài trợ rượu, bia; Chính sách;

Thứ ba, quản lý rượu thủ công đồng thời với việc tiếp tục duy trì cấp phép sản xuất rượu và quy hoạch sản xuất, kinh doanh rượu, bia theo hướng giảm dần tốc độ gia tăng;

Thứ tư, thu khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia để chi cho phòng chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng;

Thứ 5, phát triển Quỹ NCSK cộng đồng trên cơ sở Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá với nguồn kinh phí từ khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia, thuốc lá.

Tuy nhiên, bà Tiến cho biết, để bảo đảm tính tập trung của ngân sách, các nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy, biên chế và không thu nhiều loại thuế, phí trên đầu một loại sản phẩm, Chính phủ thống nhất đề nghị không quy định đối với hai chính sách số 4 và 5 mà thay bằng chính sách ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho các hoạt động PCTHRB.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia

Không cần chờ đến khi lạm dụng

Về tên gọi của Dự thảo luật là “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tên gọi này đã được Quốc hội thông qua trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phù hợp với phạm vi điều chỉnh; ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tuyên truyền; thể hiện rõ mục tiêu, quan điểm của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của rượu, bia ngay từ khi tiếp cận sản phẩm này để điều chỉnh hành vi mà không cần chờ đến khi lạm dụng.

Cùng với đó, tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, dù rượu hay bia thì đều chứa cồn là chất gây tác động đến sức khỏe nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn các sản phẩm khác và sử dụng rượu, bia dù ở mức độ nào cũng có thể gây ra tác hại, không chỉ lạm dụng mới gây tác hại (ví dụ uống bia vẫn có thể gây tai nạn giao thông, mất khả năng điều khiển hành vi dẫn đến bạo lực, tội phạm, trẻ em sử dụng rượu, bia sẽ ảnh hưởng ngay đến sức khỏe...).

Đối với phương án 2, tên của Luật sẽ là “Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia”. Bà Tiến cho biết, đây là tên gọi theo đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và một số ý kiến khác, với quan điểm là chỉ khi lạm dụng mới gây ra tác hại và cần phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

“Tuy nhiên, tên gọi này không bảo đảm tính phòng ngừa và không đạt được các mục tiêu chính sách đã được Quốc hội phê duyệt đó là cần phòng, chống tác hại của rượu bia ngay từ khi con người tiếp cận loại sản phẩm này, với mục tiêu cảnh báo, phòng ngừa, không chỉ đến khi lạm dụng rượu, bia rồi mới phòng, chống tác hại vì hậu quả đã xảy ra, sẽ khó khắc phục hơn” – Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích.

Mặt khác, theo bà Tiến, tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu, bia do tùy thuộc vào tuổi, giới tính, đặc điểm sinh học cá nhân, mức độ, cách uống, số lượng uống… Do đó, tên gọi này không đáp ứng được mục tiêu, quan điểm xây dựng luật.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Ủy ban Văn hóa, xã hội, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban nhất trí với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” như Tờ trình của Chính phủ.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-khong-cho-den-khi-lam-dung-618979/