Luật PPP nên được ưu tiên áp dụng khi có khác biệt

Để tạo ra đột phá trong thu hút vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt là vốn nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng, Luật về PPP có thể có những quy định vượt qua khung pháp lý hiện hành. Nguyên tắc áp dụng Luật như thế nào khi có sự xung đột với các luật liên quan là điều mà nhà đầu tư, giới chuyên gia, các tổ chức quốc tế rất quan tâm.

Đầu tư theo hình thức PPP giúp Chính phủ các nước phát triển kết cấu hạ tầng mà không cần phải chi trả trước các khoản đầu tư lớn. Ảnh: Lê Tiên

Đầu tư theo hình thức PPP giúp Chính phủ các nước phát triển kết cấu hạ tầng mà không cần phải chi trả trước các khoản đầu tư lớn. Ảnh: Lê Tiên

Nhà đầu tư sẽ chọn nơi có môi trường pháp lý vững chắc

Bà Lynn Tho, Chuyên gia quốc tế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc Công ty EY Singapore cho biết, năm 2018, các công ty đầu tư đã huy động được 80 - 90 tỷ USD trên thị trường tài chính quốc tế để đầu tư vào kết cấu hạ tầng trên toàn cầu (năm 2017 là 75 tỷ USD và dự kiến năm 2020 là 150 tỷ USD). Xét trên toàn cầu, khu vực tư nhân đang có sự quan tâm đáng kể đối với xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển, xây dựng, vận hành và bảo trì, sở hữu các tài sản mang lại dòng tiền dự báo được, ổn định và độc quyền. “Nhà đầu tư sẽ lựa chọn đầu tư thận trọng vào nơi có môi trường pháp lý vững chắc và có thể ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác đáng tin cậy”, bà Lynn Tho nhấn mạnh.

Bà Lynn Tho cho rằng, Việt Nam có vị thế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc hoàn thiện khung pháp lý đủ vững chắc là điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư từ quốc tế vào các dự án hạ tầng.

Theo các chuyên gia quốc tế, từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực đã áp dụng PPP, hình thức này đem lại nhiều lợi ích. PPP giúp Chính phủ các nước phát triển tài sản khu vực công mà không cần phải chi trả trước các khoản đầu tư lớn. Đồng thời, chuyên môn, khả năng sáng tạo và công nghệ của khu vực tư nhân giúp mang lại chất lượng thiết kế dự án tốt hơn, triển khai đúng tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư cho Chính phủ. Các dự án PPP cũng sẽ tận dụng được năng lực, kinh nghiệm của khu vực ngân hàng, tổ chức tài chính để có được những dự án hiệu quả.

Rà soát kỹ để đảm bảo đồng bộ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), do bản chất của phương thức đầu tư PPP khác biệt với các phương thức đầu tư truyền thống (thuần túy đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân) nên sẽ có nhiều nội dung quy định tại các luật hiện hành không phù hợp với PPP. Những chính sách được cho là cần thiết thì có thể bổ sung tại Luật PPP hoặc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chia sẻ quan ngại của các nhà đầu tư nếu Luật PPP có những quy định xung đột, khác biệt so với luật khác mà quy định nào cũng cần tham chiếu thì sẽ không ổn, khó thực thi hiệu quả. Theo quan điểm của ông Trần Chủng, cũng như của nhiều chuyên gia quốc tế, đối tác phát triển tại các hội thảo tham vấn định hướng xây dựng Luật PPP, Luật này cần phải được ưu tiên áp dụng để nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư và tạo ra sự đột phá trong thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng.

Theo tìm hiểu thông lệ quốc tế, như trong Luật Đầu tư theo hình thức PPP về kết cấu hạ tầng của Hàn Quốc còn quy định cứng: “Đối với các dự án PPP, Luật này được ưu tiên áp dụng so với các luật khác”.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ KH&ĐT đã tiến hành rà soát các quy định của pháp luật liên quan để đảm bảo quy định đồng bộ giữa Luật PPP và pháp luật về dân sự, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, tài sản công… Qua rà soát, Dự thảo Luật PPP dẫn chiếu cụ thể đến các luật nêu trên đối với các nội dung có liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật. Đồng thời, làm rõ nguyên tắc trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật PPP và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; lbảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật PPP. Đây cũng là nguyên tắc được Bộ Tư pháp yêu cầu khi thẩm tra Dự án Luật PPP nhằm đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật.

Ngoài ra, các nội dung cần sửa đổi của một số luật được quy định cụ thể tại Dự thảo Luật PPP, bao gồm bãi bỏ các quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP trong Luật Đấu thầu để đưa vào Dự thảo, đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện dự án PPP. Đồng thời, sửa đổi nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường; bổ sung, sửa đổi chức năng và nguồn thu của Quỹ tích lũy trả nợ tại Luật Quản lý nợ công nếu sử dụng Quỹ này để chi xử lý rủi ro về doanh thu cho các dự án PPP. Theo cơ quan soạn thảo, các nội dung này nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng và tránh xung đột với các luật hiện hành…

Nguyệt Minh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/luat-ppp-nen-duoc-uu-tien-ap-dung-khi-co-khac-biet-107361.html