Luật sư 'chỉnh' hội thẩm nhân dân hỏi truy vấn

Cho rằng bị cáo quanh co chối tội, một hội thẩm nhân dân đã có lời lẽ không phù hợp trước công đường.

Theo cáo trạng, đầu năm 2018 Bùi Xuân Lợi nhờ Phạm Thanh Toàn (nhà ở huyện Đắk Hà, Kon Tum) vận chuyển pháo đến huyện Đức Cơ, Gia Lai và hứa trả công cho Toàn 5 triệu đồng. Toàn đồng ý và mượn ô tô của một người khác rồi chạy về nhà Lợi để chở nhiều thùng carton và ba bao tải đựng hàng.

“Mình biết cái tội của mình rồi thì cứ nhận mẹ…”

Lợi đi trước dẫn đường còn Toàn chở pháo theo sau. Khi đến huyện Đức Cơ (Gia Lai), CSGT ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Toàn không chấp hành hiệu lệnh mà tăng ga bỏ chạy đến lô cao su thì dừng xe, bỏ trốn. Vài ngày sau Toàn ra đầu thú.

Theo kết quả giám định số hàng Toàn chở trên xe là pháo có đầy đủ đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và khí đốt có gây tiếng nổ, phát ra ánh sáng màu) với khối lượng hơn 200 kg pháo. Từ đó Toàn bị khởi tố, truy tố về tội vận chuyển hàng cấm theo điểm c khoản 3 Điều 191 BLHS.

Ngày 10-5, TAND huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã đưa bị cáo Phạm Thanh Toàn ra xét xử sơ thẩm về tội danh trên. HĐXX gồm một thẩm phán chủ tọa và hai hội thẩm nhân dân (HTND).

Trong phần xét hỏi, vị HTND tên LĐH đã đặt câu hỏi với Toàn: “Có ai bắt bị cáo ký vào đấy không?”. Bị cáo đáp: “Không”.

HTND tiếp: “Mình biết cái tội của mình rồi thì cứ nhận mẹ. Sao bị cáo cứ chối quanh co làm gì?” (có băng ghi âm).

Lúc này luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM bào chữa cho bị cáo Toàn) phản ứng: “Tôi đề nghị HĐXX coi lại cách xét hỏi. Đây là phiên tòa không nên nói bậy! Hỏi để làm rõ chứ không hỏi mang tính chất truy vấn”.

HTND nói: “Rồi, tôi xin hết”.

Chủ tọa tiếp lời: “Đề nghị luật sư bình tĩnh. Có cái bị cáo khai chưa đúng”.

Luật sư Hoan đứng lên: “HTND đang là người xét xử nhân danh Nhà nước, chứ không phải là cá nhân những người ngồi đây”. Sau đó phiên tòa tiếp tục diễn ra đến hết buổi chiều.

TAND huyện Đức Cơ (Gia Lai), nơi xảy ra sự việc hy hữu. Ảnh: CTV

Cần phải rút kinh nghiệm chung

trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ông Võ Văn Thêm (nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM) cho rằng ông LĐH phát ngôn với lời lẽ như trên là không phù hợp với quy tắc ứng xử chung tại tòa.

HĐXX mà cụ thể là HTND không được quyền đưa ra những câu hỏi mang tính quy buộc kiểu như: “Mình biết cái tội của mình rồi thì cứ nhận mẹ”.

Điều 14 Luật Tổ chức TAND đã quy định rõ: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Ngoài ra, bị cáo còn có quyền im lặng và quyền tự bào chữa cho mình. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo. HTND là một trong những thành viên của HĐXX. Cho nên HTND phải chấp hành theo đúng quy tắc ứng xử của luật để nâng trách nhiệm của mình tại phiên tòa như phải độc lập, vô tư, khách quan trong xét xử, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…

Tại Điều 90 của Luật Tổ chức TAND cũng quy định “HTND bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất đạo đức hoặc có hành vi vi phạm pháp luật không còn xứng đáng làm HTND”.

“Riêng trong trường hợp này, đối chiếu với quy định, tôi cho rằng cần phải đưa ra rút kinh nghiệm chung cho toàn ngành để những hội thẩm khác không bị mắc những lỗi tương tự như vậy” - ông Võ Văn Thêm nhấn mạnh.

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Sau phiên xử ngày 10-5, HĐXX TAND huyện Đức Cơ chưa tuyên án với bị cáo Toàn mà tạm dừng đến ngày 17-5 mở lại phiên tòa. Cuối cùng HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do việc khởi tố điều tra, truy tố có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì vậy cần phải làm rõ vật chứng sau khi thu giữ tòa đã chuyển về cho ai quản lý, đồng thời làm rõ tính khách quan của hai bản giám định…

NGÂN NGA

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/luat-su-chinh-hoi-tham-nhan-dan-hoi-truy-van-834773.html