Luật sư không được tạo thành phe nhóm để cô lập đồng nghiệp

Ngày 9-10, trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ, Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Tham vấn thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS' để góp ý, bổ sung và hoàn thiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS, sau hơn 8 năm thực hiện.

Ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS là tài liệu quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của LS. Nếu LS có thể xây dựng được các giá trị chuẩn mực và chuyên nghiệp thông qua việc ứng dụng bộ Quy tắc này, LS sẽ tạo lập được niềm tin vững chắc với thân chủ, cộng đồng xã hội và nhà nước. Từ đó, góp phần bảo vệ công lý, công bằng và đặc biệt giúp tăng cường tiếp cận tư pháp cho nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người nghèo.

Nghề LS đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Vào năm 2009, khi Liên đoàn LS Việt Nam được thành lập, chỉ có hơn 5.000 LS và hiện tại, con số này đã lên đến hơn 13.000 LS và hơn 5.000 LS tập sự. Đồng thời, nhu cầu tìm đến dịch vụ tư vấn pháp lý cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Ở Việt Nam, quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp LS được quy định lần đầu tiên tại Pháp lệnh về LS năm 2001. Hơn 10 năm sau, Liên đoàn LS Việt Nam ban hành bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS đầu tiên. Từ đó đến nay, Liên đoàn LS Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo để bổ sung và hoàn chỉnh bộ Quy tắc này.

Hội thảo góp ý Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam

Hội thảo góp ý Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam

Theo Ban thường vụ Liên đoàn LS, sau hơn 8 năm áp dụng, bộ Quy tắc đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình hành nghề LS, khiến việc giải quyết các tình huống, vấn đề gặp khó khăn. Đáng nói, tuy không có mâu thuẫn lớn, nhưng một số nội dung trong bộ Quy tắc đã thể hiện sự không đồng nhất, có thể còn chồng chéo với quy định pháp luật…

Dự thảo sửa đổi toàn diện bộ Quy tắc, tăng thêm 5 Quy tắc về: Sứ mệnh của LS; Thông báo kết quả khi kết thúc vụ việc; Ứng xử của LS trong tổ chức hành nghề LS; Ứng xử của LS hành nghề với tư cách cá nhân; Thông tin, truyền thông.

Đáng chú ý, trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác, Dự thảo bổ sung quy định LS cần có thái độ lịch sự, tôn trọng khi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác; tuân thủ quy định, nội quy của các cơ quan tổ chức này và quy định của bộ Quy tắc.

Quy tắc 32 về ứng xử của LS khi quảng cáo về hoạt động nghề nghiệp của LS, nghề LS đã quy định rõ hơn trách nhiệm của LS: Khi quảng cáo về hoạt động hành nghề LS, LS không được cung cấp những thông tin không có thật hoặc thông tin gây hiểu nhầm; LS không được thực hiện việc quảng cáo làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ LS, nghề LS.

Trong quan hệ với đồng nghiệp, bộ Quy tắc nhấn mạnh các LS phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề, không được tạo thành phe nhóm để cô lập đồng nghiệp, không lên kết, liên danh thành lập nhóm hoạt động trái pháp luật, điều lệ Liên đoàn và bộ Quy tắc.

Theo LS Lê Nết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ LS thương mại quốc tế Việt Nam, quy tắc về thù lao cần bổ sung rõ “hợp lý theo thỏa thuận trong thù lao của LS”. Vì thực tế hiện nay, một số đơn tố giác hay xử lý kỷ luật liên quan đến thu phí bất hợp lý, nhưng thu phí nhưng không làm, hoặc là đối với người nghèo mà vẫn nhẫn tâm thu phí quá khả năng của họ. Về cam kết kết quả, LS Lê Nết cho rằng, với một số việc như thành lập Cty thì đương nhiên phải được, nên có thể cho phép LS cam kết.

Phát biểu tại hội thảo, LS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam chia sẻ: “Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam đòi hỏi cần phải dễ hiểu, dễ thực hiện và nếu LS nào vi phạm thì các Đoàn LS và Liên đoàn LS Việt Nam có thể uốn nắn kịp thời, còn cố tình vi phạm hoặc tái phạm thì việc xử lý sẽ được áp dụng thống nhất để vừa phòng ngừa vừa có thể có biện pháp giáo dục kịp thời. Qua đó, khẳng định những giá trị chuẩn mực của nghề LS. Đó là những yếu tố căn bản để xây dựng và phát triển nghề LS một cách vững bền.”

“Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS ở Việt Nam sẽ hỗ trợ LS thực thi sứ mệnh bảo vệ quyền con người và lợi ích của thân chủ, bảo đảm tính độc lập tư pháp và công lý cho mọi người dân,” Bà Catherine Phuong, trợ lý Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh. “UNDP luôn hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động về tiếp cận công lý và tăng cường pháp quyền; từ đó, hướng đến việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.”

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/luat-su-khong-duoc-tao-thanh-phe-nhom-de-co-lap-dong-nghiep-165564.html