Luật sư lên tiếng chuyện ông Đặng Thanh Bình hưởng án treo nhờ... 'cao tuổi'

Luật sư cho rằng HĐXX lấy căn cứ bị cáo là người cao tuổi để cho được hưởng án treo này chưa đủ cơ sở pháp lý.

Như đã đưa tin, TAND cấp cao tại TP. HCM vừa tuyên giảm từ 3 năm tù giam xuống 3 năm án treo đối với nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình; tuyên giảm từ 1 năm tù giam xuống còn 1 năm án treo đối với bị cáo Phạm Thế Tuân (Tổ phó tổ Giám sát, nguyên Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM).

Theo cáo buộc, bị cáo Bình và nhóm đồng phạm đã thiếu trách nhiệm, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại VNCB (trước đó là ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank và nay là ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CB).

Điều đáng nói, một trong những căn cứ để bị cáo Bình hưởng án treo được tòa nhận định là do bị cáo là "người cao tuổi" nên áp dụng các quy định của Luật người cao tuổi.

Luật sư cho rằng tòa án lấy căn cứ bị cáo là người cao tuổi để cho bị cáo được hưởng án treo này chưa đủ cơ sở pháp lý.

Luật sư cho rằng tòa án lấy căn cứ bị cáo là người cao tuổi để cho bị cáo được hưởng án treo này chưa đủ cơ sở pháp lý.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp khẳng định, theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành thì “người cao tuổi” (người từ 60 tuổi trở lên nhưng chưa tới 70 tuổi) không phải là đối tượng được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự quy định chỉ có “người già” (người từ 70 tuổi trở lên) mà phạm tội thì mới được xem xét giảm một phần trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “người cao tuổi” không phải là một trong những căn cứ để xem xét cho hưởng án treo. Bởi vậy tòa án lấy căn cứ bị cáo là người cao tuổi để cho bị cáo được hưởng án treo này chưa đủ cơ sở pháp lý.

“Việc HĐXX xem xét, đánh giá có cho bị cáo được hưởng án treo hay không thì phải căn cứ vào quy định tại Điều 65 (Bộ luật hình sự 2015) và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Bởi hình phạt tù và phạt tù cho hưởng án treo là rất khác nhau về tính chất răn đe cũng như tính chất nghiêm khắc của hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Cường, xu hướng nhân đạo trong xây dựng pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay thì việc áp dụng những hình phạt ngoài tù nên việc áp dụng án treo sẽ được khuyến khích đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, với các tội phạm tham nhũng, tội phạm về chức vụ thì sẽ hạn chế áp dụng án treo.

Theo quy định tại Điều 3 (Nghị quyết đã viện dẫn) thì: Những trường hợp không cho hưởng án treo bao gồm: Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã; Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo; Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi; Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi; Và người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án giải quyết không đúng pháp luật thì bản án này có thể bị kháng nghị để sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thực tiễn áp dụng pháp luật ở mỗi quốc gia là khác nhau. Ngay cả trong một quốc gia thì mỗi thời kỳ lịch sử chính sách áp dụng pháp luật cũng khác nhau. Tuy nhiên, dù áp dụng như thế nào thì cũng phải phù hợp với các quy định pháp luật thực định của quốc gia đó và tuân thủ chính sách pháp luật tại thời điểm áp dụng.

Hoàng Duyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/luat-su-len-tieng-chuyen-ong-dang-thanh-binh-huong-an-treo-nho-cao-tuoi-20181211215040584.htm