Luật sư nói gì về nghi vấn cắt mác Trung Quốc của SEVEN.AM?

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, thương hiệu thời trang SEVEN.AM vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn.

Mới đây, doanh nhân Nguyễn Vũ Hải Anh - Chủ thương hiệu thời trang SEVEN.AM nhận sai trong khâu quản lý xuất xứ hàng hóa, nhận trách nhiệm trước người tiêu dùng và cam kết khắc phục sai sót.

Về việc một số sản phẩm gắn thẻ bài tên SEVEN.AM như phóng viên ghi nhận được, ông Nguyễn Vũ Hải Anh cho biết "đã rà soát hệ thống và phát hiện do sơ xuất phía nhân viên ở kho và yêu cầu toàn bộ phận chấn chỉnh lại để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng".

Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội – Công ty Luật TNHH SBLaw.

Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội – Công ty Luật TNHH SBLaw.

- Dưới góc độ pháp luật, với những sai sót như đã thừa nhận công ty này đã vi phạm thế nào? Mức phạt cho hành vi này là gì, thưa Luật sư?

Trong trường hợp này, SEVEN.AM chỉ thừa nhận về sai sót trong khâu quản lý đó là không gắn nhãn phụ cho sản phẩm, gây nên tình trạng không minh bạch về nguồn gốc xuất xứ.

Với việc thừa nhận sai sót này, thương hiệu thời trang SEVEN.AM đã vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa – mức xử phạt hành vi này được quy định tại Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được việc SEVEN.AM nhập hàng Trung Quốc nhưng cắt bỏ nhãn Trung Quốc thay vào đó để nhãn SEVEN.AM và gán mác “Made in Vietnam” thì đây là hành vi cố tình gian dối trong kinh doanh và hoàn toàn có thể bị truy cứu về Tội lừa dối khách hàng (Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015) nếu đủ yếu tố cấu thành tội.

- Theo bà, doanh nghiệp có trách nhiệm thế nào đối với những khách hàng đã mua phải sản phẩm không gắn nhãn phụ cho sản phẩm?

Rõ ràng việc thương hiệu thời trang SEVEN.AM không minh bạch về nguồn gốc xuất xứ đã ảnh hưởng phần nào đó đến khách hàng – là những tổ chức, cá nhân đã tin mua sản phẩm của thương hiệu thời trang này. Sự không minh bạch này không chỉ gây thất vọng cho khách hàng, gây mất niềm tin trong lòng người tiêu dùng mà còn làm hạ uy tín của một thương hiệu thời trang Việt Nam trong mắt người dùng Việt.

Như vậy, SEVEN.AM có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng về hành vi của mình, tịch thu lại những sản phẩm sai nhãn mác, có những chính sách đền bù thỏa đáng. Đồng thời, SEVEN.AM phải gửi lời xin lỗi công khai tới khách hàng – những người tiêu dùng đã tin tưởng thương hiệu thời trang này suốt thời gian vừa qua.

Mới đây, doanh nhân Nguyễn Vũ Hải Anh - Chủ thương hiệu thời trang SEVEN.AM nhận sai trong khâu quản lý xuất xứ hàng hóa, nhận trách nhiệm trước người tiêu dùng và cam kết khắc phục sai sót.

- Vậy những khách hàng đã mua sản phẩm thì liệu có thể kiện doanh nghiệp này hay không, thưa Luật sư?

Khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, khách hàng có quyền khởi kiện trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc có thể liên hệ trực tiếp tổ chức, cá nhân kinh doanh để yêu cầu được giải quyết theo phương thức thương lượng hoặc nhờ một tổ chức, cá nhân thứ ba (các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các công ty, văn phòng luật hoặc bất kỳ một tổ chức nào khác đủ năng lực) để bảo vệ nhanh chóng quyền lợi của mình.

-Vậy, bà có khuyến cáo gì cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra phức tạp?

Vấn đề quan trọng nhất là nhận thức và đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không nên vì “hám lợi” trước mắt mà đánh mất giá trị thương hiệu đã gây dựng bao lâu nay của mình. Các hành vi này không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp mua bán, thị trường và quyền lợi của rất nhiều người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước, làm giảm uy tín của thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, doanh nghiệp sản xuất trong nước cần chủ động chung tay cùng các cơ quan quản lý để ngăn chặn các hành vi này. Đặc biệt, khi phát hiện có hành vi vi phạm, doanh nghiệp không nên e ngại mà nên tố giác hành vi đó cho các cơ quan có thẩm quyền; không được tiếp tay cho “kẻ gian” gây ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan.

-Xin cảm ơn Luật sư!

Huyền Trang thực hiện

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/luat-su-noi-gi-ve-nghi-van-cat-mac-trung-quoc-cua-seven-am-161296.html