Luật sư nói gì về quy định thu hồi GPKD 'bún mắng, cháo chửi'?

Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Thành ủy về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, Sở Công thương được yêu cầu thường xuyên thanh tra, đôn đốc chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời chủ cửa hàng, chủ quán ăn vi phạm; thu hồi giấy phép kinh doanh đối với chủ kinh doanh có hành vi, cử chỉ, lời nói xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của khách hàng.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư đánh giá thế nào về chế tài này - Đó là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Dân Việt với luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội.

Quan điểm của luật sư thế nào về biện pháp xử lý nêu trên đối với “bún mắng, cháo chửi”?

Người Hà Nội những năm 70 về trước nề nếp, gia phong, ăn nói, đi đứng nhẹ nhàng, thanh lịch lắm. Rất ít khi nói to, mua bán thì xếp hàng, nhường nhịn nhau, thậm chí có gia đình còn hơi thái quá, bắt con cháu khi chào người trên phải khoanh tay, cúi đầu, đi chào về bẩm. Lúc đó Hà Nội thật êm đềm.

Nhưng bây giờ bước chân ra đường là nghe thấy tiếng chửi thề; nói chuyện với nhau cũng sử dụng nhiều từ tục tĩu; đi đường thì mạnh ai người ấy đi, bất chấp luật lệ giao thông, hàng quán thì lộn xộn, tràn đầy ra vỉa hè; bạ chỗ nào vứt rác chỗ đó; rồi “bún mắng, cháo chửi” lên cả một số kênh truyền hình nước ngoài… những hành vi đó không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; xấu đi hình ảnh của thủ đô ngàn năm văn hiến trong con mắt người dân Việt Nam và đặc biệt là ấn tượng xấu đối bạn bè quốc tế.

Tất nhiên không phải là tất cả, vẫn còn đó những hình ảnh một thanh niên dắt cụ già qua đường; trên xe buýt các cháu nhường ghế cho người lớn tuổi… Nhưng số đó ít quá.

Bởi vậy Hà Nội chủ trương đẩy mạnh nếp sống văn hóa, xây dựng quy tắc ứng xử trong đó có "Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại" là rất đúng, hợp lòng dân.

Trong thâm tâm, tôi ủng hộ việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với chủ kinh doanh có hành vi, cử chỉ, lời nói xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của khách hàng. Nhưng về mặt pháp lý thì quy định như thế là không ổn.

Xử lý thế nào đối với "bún mắng, cháo chửi". Ảnh: I.T

Không ổn ở chỗ nào thưa luật sư?

Việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đượcthực hiện theo quy định tại Điều 78, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ. Trong các trường hợp hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nêu trong Điều 78 không có trường hợp nào quy định rằng: Chủ kinh doanh có hành vi, cử chỉ, lời nói xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của khách hàng thì bị thu hồi. Do vậy nếu Hà Nội quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh vì hành vi đó là không đúng với quy định trên. Nếu thu hồi thì phải có giải pháp đồng bộ, hành vi trên phải được bổ sung vào Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

Vậy theo luật sư có chế tài nào để xử lý, “bún mắng, cháo chửi”?

Theo tôi, “chế tài” mạnh nhất, nặng nhất đấy là sự tẩy chay của khách hàng. Dù ngon mấy, rẻ mấy chăng nữa nhưng sung sướng gì khi mình bỏ tiền ra mua mà bị chửi? Những kiểu bán hàng như thế sớm muộn rồi cũng bị khách tẩy chay mà thôi.

Còn về xử lý theo pháp luật, theo tôi chỉ có thể phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”. Điều luật này quy định:

“ Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”.

Cảm ơn luật sư!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/luat-su-noi-gi-ve-quy-dinh-thu-hoi-gpkd-bun-mang-chao-chui-739783.html