Luật sư nói gì về tính pháp lý vụ chợ mọc trái phép trên đất Mẹ Việt Nam anh hùng ở Hà Tĩnh (kỳ 5)

Luật sư Nguyễn Mai - Công ty Luật Trương Anh Tú nói rõ hơn tính pháp lý của sự việc chợ mọc trái phép trên đất Mẹ Việt Nam anh hùng ở Hà Tĩnh, nhưng chính quyền địa phương không xử lý.

Như Thương hiệu & Pháp luật từng đăng tải một số bài viết liên quan đến sự việc chợ mọc trái phép trên đất Mẹ Việt Nam anh hùng ở Hà Tĩnh. Theo đó, phản ánh của ông Phạm Đình Chuyn (89 tuổi, ở thôn 1, Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về việc: “Chính quyền bất lực trước việc chợ mọc trái phép trên mảnh đất của mẹ ông để lại”.

Hình ảnh một cái chợ xấu xí, bẩn thỉu, hôi hám đã làm xấu đi bộ mặt nông thôn mới của tỉnh xã Cẩm Lĩnh nói riêng và huyện Cẩm Xuyên nói chung.

Được biết, mẹ ông Chuyn là bà Nguyễn Thị Khoăng (nay đã mất) được Chủ tịch nước Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2015. Ông Chuyn cho hay: "Năm 1970, cha mẹ tôi được chính quyền địa phương cấp cho một mảnh đất tại thôn 1 (nay được gọi là xóm chợ Cây Bàng) với diện tích trên 300m2. Mảnh đất được mẹ tôi trồng cây lâu năm (cây xi lau) và không hề có tranh chấp".

Năm 2000, thôn đã mượn của gia đình để làm nơi giao thương hàng hóa cho bà con trong thôn. Đến nay gia đình ông yêu cầu chính quyền trả lại đất để sử dụng nhưng các cấp chính quyền đều lờ đi yêu cầu này. Ngoài ra, ông Trần Đình Lam - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh từng trả lời với báo chí rằng: “Chợ cây Bàng là chợ cóc tự phát, không có văn bản nào của cơ quan chức năng thẩm quyền về quy hoạch chợ ở đây”.

Tìm hiểu của PV Thương hiệu & Pháp luật được biết: "ngày 24/12/2014 UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 4112/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký".

Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ, tại địa bàn xã Cẩm Lĩnh chỉ có mỗi chợ Thá, chứ không hề có chợ Cây Bàng.

Quyết định này cũng nêu rõ, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên có 24 chợ, gồm 1 chợ hạng I và 23 chợ hạng III với tổng diện tích đất chiếm 143,978m2. Còn ở tại xã Cẩm Lĩnh có duy nhất chợ Thá và không hề có chợ Cây Bàng như một vài lời đồn đoán. Để làm rõ hơn tính pháp lý của vụ việc, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Mai - Công ty Luật Trương Anh Tú.

Luật sư Nguyễn Mai cho biết, theo trình bày của gia đình ông Phạm Đình Chuyn thì mảnh đất này chính quyền đã cấp cho gia đình từ năm 1970, nếu gia đình cung cấp được các giấy tờ chứng minh việc cấp đất này thì theo quy định tại Điều 100, Luật Đất đai năm 2013 thì diện tích đất nêu trên đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gia đình có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sử dụng đất.

Nếu trong trường hợp gia đình không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến việc cấp đất thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trích sao Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính hoặc các giấy tờ pháp lý khác của nhà nước liên quan đến việc quản lý sử dụng đất để xác định được quyền sử dụng đất của gia đình đối với diện tích đất này.

Sự kiện gia đình cho thôn mượn không làm mất quyền sử dụng của gia đình. Theo Điều 515. Hợp đồng mượn tài sản, Bộ luật dân sự năm 1995 thì “Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.

Theo tờ bản đồ 299, do ông Trần Xuân Tưởng - cán bộ địa chính xã Cẩm Lĩnh cung cấp thể hiện rõ thửa đất. Thế nhưng, vị cán bộ này đổ lỗi cho việc mất hết sổ mục kê nên không rõ.

Nếu việc mượn đất giữa hai bên không thỏa thuận về thời hạn thì bên cho mượn hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản và báo trước với bên mượn một thời gian hợp lý. Gia đình ông Chuyn đã có đơn gửi lên xã yêu cầu trả lại phần diện tích đã mượn nêu trên là một hình thức thông báo chấm dứt thỏa thuận mượn tài sản giữa hai bên.

Về việc UBND xã nói rằng mảnh đất nêu trên đã được quy hoạch làm chợ Cây Bàng. Luật sư Nguyễn Mai cho hay: Theo quy định tại Điều 45, Luật đất đai năm 2013 thì “UBND cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện”.

Như vậy, mọi quy hoạch đều phải có văn bản giấy tờ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặc dù khẳng định mảnh đất được phê duyệt làm Chợ Cây Bàng nhưng chính quyền xã lại không cung cấp được bất cứ giấy tờ liên quan đến nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng đất. Hơn thế nữa, hình ảnh một chợ cóc bẩn thỉu, xấu xí như trên không thể là kết quả của một “chợ có quy hoạch” bài bản từ chính quyền địa phương, do đó, người dân hoàn toàn có quyền “thắc mắc” về quy hoạch mà UBND xã đã đưa ra.

Luât sư nói thêm: “Thiết nghĩ, những người lãnh đạo các cơ quan nhà nước cần phải có cái tâm trong sáng để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống người dân. Nếu có việc thôn/xã mượn đất của người dân thì cần nhanh chóng trả đất cho người dân, không thể sử dụng quyền lực nhà nước để “hợp thức hóa” một cách trái phép tài sản đi mượn của dân. Nếu không có việc thôn/xã mượn đất của dân thì cần đưa ra các căn cứ pháp lý chính xác để xác định quyền sử dụng đất, giải thích rõ bằng văn bản cho người dân hiểu tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài”.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp thông tin.

UY VŨ

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/luat-su-noi-gi-ve-tinh-phap-ly-vu-cho-moc-trai-phep-tren-dat-me-viet-nam-anh-hung-o-ha-tinh-ky-5-104392