Luật sư nói gì về việc nhà mạng yêu cầu chủ thuê bao nộp ảnh chân dung?

Nghị định 49/2017/NĐ-CP liên quan đến vấn đề nhà mạng yêu cầu khách hàng phải nộp ảnh chân dung đang tạo nên một luồng tranh cãi lớn trong dư luận.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị định 49/2017/NĐ-CP liên quan đến vấn đề nhà mạng yêu cầu khách hàng phải nộp ảnh chân dung đang tạo nên một luồng tranh cãi lớn trong dư luận.

Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP. HCM.

- Một số quan điểm cho rằng, bắt chủ thuê bao di động phải chụp ảnh, điều này có thể khiến nhà mạng bị kiện, quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 49 quy định: Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:

“Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều này.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện”.

Như vậy, nếu chủ thuê bao chứng minh mình không nhận được “thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần” thì nhà mạng không có quyền cắt, hoặc tạm dừng dịch vụ.

Như vậy, đối với các chủ thuê bao, việc họ thực hiện hợp đồng đầy đủ, đóng tiền hàng tháng thì hợp đồng đó đã căn cứ theo bộ luật dân sự hiện hành để thực hiện. Nếu muốn thay đổi, thì nhà mạng phải thông báo, đàm phán với từng chủ thuê bao chứ không có quyền đưa ra một mệnh lệnh yêu cầu khách hàng phải bổ sung thông tin.

Những thuê bao trước đó trách nhiệm bổ sung thông tin thuộc về nhà mạng. Còn làm cách nào để có đầy đủ, thì nhà mạng cần thỏa thuận với khách hàng của mình bởi hợp đồng dân sự đã được thực hiện.

Chủ thuê bao không có lỗi mà do nhà mạng có lỗi trong việc quản lý sim rác.

Theo Nghị định thì sau 24/4/2018 thì chính các nhà mạng phải bị phạt. Còn nếu thuê bao bị nhà mạng đơn phương cắt, bị ngưng hoạt động thì theo tôi chủ thuê bao được quyền khởi kiện theo quy định.

- Cũng có một số ý kiến cho rằng, việc quy định nhà mạng phải cung cấp ảnh cá nhân sẽ hạn chế được tình trạng sim rác, thưa luật sư?

Trước đây nhà mạng đã yêu cầu cung cấp chứng minh nhân dân, thế nhưng vẫn có tình trạng bán sim rác. Do vậy, kể cả bổ sung hình ảnh mà nhà mạng vẫn bán sim rác thì điều này vẫn tiếp tục tiếp diễn. Bởi bán sim rác là do bên nhà mạng cung cấp thì khách hàng mới mua chứ không phải khách hàng tự cung cấp cho mình.

Ngược lại, khi người tiêu dùng phải cung cấp hình ảnh cá nhân để nhà mạng quản lý, thì cũng cần có quy định về trách nhiệm của nhà mạng đối với việc bảo mật hình ảnh khách hàng. Nếu chưa đưa ra được những quy định về trách nhiệm đó mà buộc khách hàng phải cung cấp hình ảnh là quy định mang tính áp đặt, chưa hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng.

- Trường hợp nếu nhà mạng để lộ thông tin khách hàng thì trách nhiệm và mức xử phạt nhà mạng sẽ thế nào, thưa luật sư?

Theo Luật Viễn thông 2009, doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm: Tên, địa chỉ, số máy gọi đi, số máy gọi đến, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp cho doanh nghiệp.

Ảnh cũng được xem là thông tin cá nhân và được pháp luật bảo vệ, chính vì thế không một doanh nghiệp nào được phép để lộ thông tin của khách hàng.

Theo điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp viễn thông để lộ thông thông tin khách hàng sẽ đối diện với các mức phạt sau:

Phạt tiền từ 30 triệu - 50 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Phạt tiền từ 50 triệu - 70 triệu đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Theo nghị định số 49/2017 của chính phủ ban hành ngày 24/4/2017, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, thông tin người dùng di động còn phải bao gồm “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động)”.

- Vậy, theo luật sự, từ 25/4 nếu nhà mạng không bổ sung đủ thông tin khách hàng, nhà mạng sẽ bị phạt thế nào?

Tùy nhà mạng có những hành vi gì mà có thể sẽ có những chế tài cụ thể và mức phạt khác nhau.

Cụ thể: Điều 30. Vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao.

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng trên mỗi số thuê bao đối với doanh nghiệp viễn thông di động nhưng tổng số tiền phạt không vượt quá 200.000.000 đồng đối với mỗi hành vi do vi phạm một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định; Thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đối với doanh nghiệp viễn thông di động nhưng tổng số tiền phạt không vượt quá 200.000.000 đồng đối với mỗi hành vi: Bản giấy hoặc bản số hóa hoặc bản điện tử xác nhận thông tin thuê bao không có chữ ký của chủ thuê bao hoặc của người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc của người được ủy quyền; Bản số hóa giấy tờ, ảnh chụp không rõ ràng hoặc ảnh chụp không có thông tin về ngày giờ chụp.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động khi vi phạm một trong các hành vi sau: Không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định; Không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu đối với cá nhân sử dụng nhiều hơn 3 số thuê bao di động trả trước.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông (lược trích Nghị định 49/2017/NĐ-CP).

Căn cứ từ các quy định này, khách hàng có thể cung cấp bằng chứng về việc nhà mạng “không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định; Không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu đối với cá nhân sử dụng nhiều hơn 3 số thuê bao di động trả trước, thì nhà mạng sẽ bị cơ quan chức năng phạt đến 100 triệu đồng.

- Xin cảm ơn luật sư.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/luat-su-noi-gi-ve-viec-nha-mang-yeu-cau-chu-thue-bao-nop-anh-chan-dung-3446769.html