Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đại học có hiệu lực từ 1/7/2019

Với 408/456 đại biểu tán thành bằng 84,12%, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Kết quả biểu quyết toàn bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Kết quả biểu quyết toàn bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Trước khi bấm nút thông qua toàn bộ dự án Luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 3 nội dung trong Điều 1 của dự thảo Luật.

Cụ thể, Khoản 17 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học tại các trang 15 – 16 – 17 dự thảo luật.

Khoản 23 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 38 về văn bằng giáo dục đại học trang 19 – 20 dự thảo Luật và Khoản 33 Điều 11 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 65 về học phí và các khoản thu dịch vụ khác tại trang 25 dự thảo Luật.

Kết quả biểu quyết Khoản 17 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 32

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Tại kỳ họp này, Dự án Luật được Quốc hội thảo luận, thông qua, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như sau:

Về hệ thống cơ sở giáo dục đại học dự kiến gồm trường Đại học và Đại học, Học viện và các cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó trường Đại học được coi là hạt nhân cơ bản, nền tảng của hệ thống;

Về đẩy mạnh tự chủ đại học, Luật quy định cơ chế bảo đảm thực hiện tự chủ thông qua việc xác định rõ về thiết chế hội đồng trường, phân định mối quan hệ giữa hội đồng trường với Hiệu trưởng; quy định cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học; bổ sung nhiều nội dung theo hướng tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học về chuyên môn học thuật, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản.

Kết quả biểu quyết Khoản 23 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 38

Kết quả biểu quyết Khoản 33 Điều 11 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 65

Trước khi bấm nút biểu quyết thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh và sự cần thiết ban hành Dự thảo Luật; đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến góp ý và cho rằng Dự thảo Luật cơ bản đáp ứng điều kiện để được xem xét, thông qua trong kỳ họp này.

Về tự chủ đại học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ tại khoản 2 Điều 32, theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở GDĐH phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở GDĐH, do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản tại các khoản 3, 4, 5 Điều 32 và cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong Luật.

Hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn như: về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học… đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo.

Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật cũng quy định rõ về trách nhiệm giải trình, bao gồm cả nội dung, hình thức và đối tượng của hoạt động giải trình. Dự thảo Luật cũng đã quy định một số chế tài cụ thể để xử lý đối tượng không thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo. Mức độ và tính chất xử lý vi phạm được quy định tại các văn bản dưới Luật.

>>>> XEM CHI TIẾT DỰ ÁN LUẬT TẠI ĐÂY

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-gd-dai-hoc-co-hieu-luc-tu-172019-3964825-v.html