Luật Thanh niên cần chú trọng kéo giảm tỷ lệ thanh thiếu niên phạm pháp

Ngày 15-3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 30. Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, chủ trì Hội nghị.

Các Ủy viên Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tranh luận, đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Các Ủy viên Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tranh luận, đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Theo các báo cáo tại Hội nghị, hiện Việt Nam có hơn 23 triệu thanh niên, chiếm hơn 24% dân số cả nước. Đại đa số thanh niên Việt Nam có ý thức học tập, lao động và không ngừng rèn luyện, phấn đấu lập thân, lập nghiệp và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động chống đối một số chủ trương, quyết sách mới của Nhà nước, gây rối trật tự xã hội, ý thức phấn đấu chưa cao. Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên thời gian gần đây có xu hướng tăng, với tính chất bạo lực, phức tạp cũng gia tăng.

Trong khi đó, thực trạng thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tiêu cực trong thi cử, thiểu kiểm soát các loại chất kích thích, gây nghiện mới... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng thanh niên - chủ nhân tương lai của nước nhà.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy viên Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, cho rằng: hiện nay, đời sống của nhiều đối tượng thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có lực lượng thanh niên công nhân.

"Nhiều nữ thanh niên công nhân rất khổ. Có trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không dám nói, phải cố gắng giấu giếm, sống chung với bệnh tật. Bởi chỉ cần lộ ra là nhiều khả năng sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Cần tăng cường quan tâm đến những đối tượng thanh niên giống như vậy", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Có ý kiến khác cho rằng, Luật Thanh niên vốn là bộ luật khó, tính đặc thù cao, lại có nhiều phần liên đới trực tiếp với các luật khác. Do đó, công tác xây dựng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) cần sự "gia công" đầy đủ, chi tiết, nhằm phát huy được đầy đủ tính đặc thù, các thế mạnh của thanh niên trong thời đại mới. Trong đó, phải có những cơ chế, chính sách riêng biệt nhằm ngăn chặn, kéo giảm trình trạng thanh thiếu niêu phạm pháp.

Các đại biểu tại Hội nghị nhất trí đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám, khóa XIV vào tháng 10 tới đây.

LINH PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/39507602-luat-thanh-nien-can-chu-trong-keo-giam-ty-le-thanh-thieu-nien-pham-phap.html