Luật Xây dựng (sửa đổi): Rà soát các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.

Tiếp tục rà soát kỹ các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật với Luật Xây dựng (sửa đổi). Ảnh: Internet.

Tiếp tục rà soát kỹ các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật với Luật Xây dựng (sửa đổi). Ảnh: Internet.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Theo đó, Luật Xây dựng hiện hành có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành, việc đánh giá, tổng kết chưa thể đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, trước mắt chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc 3 nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội trong Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 28/8/2019.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo cùng các cơ quan liên quan đã và sẽ tiếp tục rà soát kỹ các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật trong việc: sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong dự thảo Luật cho phù hợp với Luật Đất đai; cân nhắc việc sử dụng hợp lý thuật ngữ “phá dỡ” trong dự thảo Luật này và Luật Nhà ở với thuật ngữ “tháo dỡ” trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trong dự thảo Luật và Luật Nhà ở...

Về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có một số đặc thù như: đa dạng về hình thức và mục tiêu, có yêu cầu cao đối với tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng nguồn lực tài nguyên lớn về đất đai, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của một bộ phận lớn dân cư đô thị, thường triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian dài, vừa thi công xây dựng, vừa kinh doanh khai thác...

Do vậy, để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề nêu trên, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm (khoản 15a Điều 3 về giải thích từ ngữ) về hồ sơ, công tác thẩm định dự án và bàn giao công trình (sửa đổi Điều 54, 58 và 124) do đó không phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị liên quan đến một số quy định về những công trình cấp bách thì cần quan tâm nhiều hơn, vì công trình này có liên quan nhiều thủ tục; đồng thời việc quy định rõ công trình cấp bách là công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo có yêu cầu triển khai theo nhiệm vụ cấp bách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong dự án Luật là hoàn toàn phù hợp.

Phát biểu trong Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã có sự đồng thuận cao, Dự luật lần này giảm bớt các quy định về thủ tục hành chính; lựa chọn được các mô hình quản lý dự án.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Dự luật không chỉ quan tâm đến vấn đề xây mới mà cần quan tâm, nghiên cứu thêm đối với các quy định về thiết kế, thi công trong cải tạo sửa chữa xây dựng để có cơ sở thuận tiện khi triển khai trong thực tiễn.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/luat-xay-dung-sua-doi-ra-soa-t-cac-luat-lien-quan-de-tranh-mau-thuan-chong-cheo-123017.html