'Lực bất tòng tâm' với giá thịt lợn

Đến nay, hầu như các giải pháp có thể kiểm soát giá thịt lợn đã được Bộ NN&PTNT thực hiện, song giá không giảm mà đang đứng ở mức rất cao.

Khảo sát hầu hết địa phương cho thấy,giálợn hơingày28/5 ở mức rất cao, phổ biến trong khoảng 95.000 - 98.000 đồng/kg, cá biệt một số nơi xuất hiện giá 100.000 - 105.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp 'quên lời hứa' với Bộ trưởng

Giá lợn hơi tăng cao đang khiến giá thịt lợn tại các chợ dân sinh liên tiếp tăng giá, bình quân 160.000 - 200.000 đồng/kg, là mức cao chưa từng có.

Đáng chú ý, sau hơn một tháng 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết đồng hành cùng Chính phủ giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh giá lợn hơi lên cao hơn mốc 70.000 đồng/kg.

Bất chấp mọi biện pháp kiểm soát, giá thịt lợn vẫn tăng mạnh (Ảnh: TL)

Bất chấp mọi biện pháp kiểm soát, giá thịt lợn vẫn tăng mạnh (Ảnh: TL)

Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết giá lợn hơi xuất chuồng của doanh nghiệp này vào ngày 27/5 đã tăng lên 81.000 đồng/kg.Lý do được đưa ra là công ty giữ mức giá lợn hơi 70.000 đồng/kg như cam kết với Chính phủ trong gần một tháng rưỡi nhưng giá lợn trên thị trường vẫn tăng, người dân phải mua giá cao do bộ phân trung gian, thương lái "làm giá".

Ngoài C.P, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.J Đồng Nai, Japfa... cũng điều chỉnh giá lợn hơi lên mức trên 80.000 đồng/kg.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh về động thái này của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Tất Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng việc các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tăng giá là chuyện phải chấp nhận. Chúng ta không có quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm giá lợn, mà đây là mong muốn. Vì vậy, mong muốn này phụ thuộc vào tâm của từng doanh nghiệp đến đâu khi họ thực hiện cam kết trên.

"Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp có thể đã hết khả năng, họ chỉ có thể giảm giá lợn trong một thời gian như vậy. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, trong thời buổi nguồn cung lợn đang khan hiếm, chúng ta cũng không thể trách được doanh nghiệp. Nếu họ chỉ bán một lượng lợn hơi giá rẻ ra thị trường, còn một lượng giữ lại bán cho các công ty liên kết cũng là dễ hiểu. Mục tiêu lợi nhuận luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu", ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, thị trường thịt lợn được điều tiết theo cơ chế thị trường. Nếu Nhà nước có kho dự trữ vài trăm nghìn tấn thịt, bung hàng ra khi thị trường cần thì câu chuyện giảm giá thịt lợn có lẽ đã có cái kết đúng ý.

Có cách nào nữa không?

Ông Thắng nhấn mạnh: "Gần như đến lúc này, mọi cố gắng, nỗ lực giảm giá thịt lợn đều đã thực hiện. Điều này cho thấy, giải pháp mấu chốt vẫn là tập trung đẩy mạnh tái đàn trong các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ".

Hiện, khu vực trên đang chiếm 60-70% tổng nguồn cung thịt lợn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, người dân không còn vốn liếng để tái đàn. Chưa kể, dịch này lại đang có nguy cơ tái phát trở lại gây cản trở rất lớn tới việc tăng đàn lợn trong thời gian tới.

Được biết, hiện giá lợn giống đang rất cao, dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/con. Cộng với chi phí thức ăn chăn nuôi, vắc xin..., giá thành lợn hơi khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết các doanh nghiệp chăn nuôi chủ động được con giống nên giá thành sản xuất ở mức 50.000 đồng/kg. Hiện, các doanh nghiệp bán ra với giá 80.000 đồng/kg lợn hơi, lợi nhuận thu về sẽ rất lớn. Còn với người dân, việc tái đàn trở lại rất khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng, giá thịt lợn tăng cao do khâu thương mại nhiều nơi, nhiều chỗ chưa minh bạch, đạo đức kinh doanh và trục lợi của thương lái. Vì vậy, các biện pháp quản lý thị trường cần phải đẩy mạnh làm sao để tránh tình trạng “thổi giá”, “bơm giá” lên để trục lợi.

Mặt khác, ông Khải nhấn mạnh tới việc đảm bảo nguồn cung. Ngành chăn nuôi và chính quyền địa phương, Bộ NN&PTNT cần tạo điều kiện để tăng đàn, đảm bảo giá thực phẩm, thức ăn làm sao để hạ giá thành chăn nuôi, từ đó hạ giá lợn hơi. "Đây là biện pháp quản lý thị trường, vì vậy vai trò của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và chính quyền địa phương phải có sự kết hợp", ông Khải nói.

Lý giải vì sao cơ quan quản lý dùng mọi biện pháp hạ giá thịt lợn song vẫn bất thành, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: Việc cơ quan chức năng muốn hạ giá thịt lợn bằng biện pháp hành chính, dù chỉ là lời nói và không làm gì nhưng giá lợn không những không giảm mà còn tăng là vì các biện pháp ấy sẽ làm tổn thương hệ thống phân phối.

Do đó làm thu hẹp nguồn cung (vốn đang khan hiếm) nên giá càng tăng lên. Đồng thời, người sản xuất trực tiếp cũng bị ảnh hưởng xấu do giá thu mua giảm xuống (vì tiếp cận với kênh phân phối khó hơn).

Để giảm giá thịt lợn, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng không nên ép giảm giá lợn bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải tuân thủ nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, thị trường không có nghĩa là Nhà nước để tự phát. Thay vào đó, Nhà nước có thể điều tiết bằng các biện pháp kinh tế như tăng nguồn cung, sắp xếp lại mạng lưới, hỗ trợ tài chính tiền tệ, kiểm soát gian lận thương mại... để tác động vào việc hình thành giá, kéo giá vận động về mức hợp lý.

Đồng thời, theo các chuyên gia, cần phải đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn, giảm thuế nhập khẩu để hạ giá thành thịt lợn nhập khẩu, từ đó khuyến khích người dùng sử dụng thịt nhập nhiều hơn.

Bộ NN&PTNT đồng ý phương án nhập khẩu lợn sống

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa có băn bản gửi Cục Thú y về vấn đề nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đồng ý phương án Cục Thú y phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.

Sau khi hoàn thành các bước đánh giá, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để trao đổi về những vướng mắc, thu nhập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước và thực hiện cách ly kiểm dịch 30 ngày.

Trước đó, Cục Thú y đã gửi Công văn số 807 xin ý kiến lãnh đạo Bộ NN&PTNT về việcnhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam.

Theo Lê Thúy/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/-luc-bat-tong-tam-voi-gia-thit-lon/20200529093909519