Lục bình 'đại náo' miền Tây

Không phải ngẫu nhiên mà gần như cùng lúc ở 2 địa phương Long An và Tiền Giang chuyện 'vớt lục bình' được lãnh đạo tỉnh trực tiếp giải quyết. Ở Long An chuyện 'vớt lục bình' được đưa lên bàn thảo ở kỳ họp HĐND tỉnh mới đây; còn ở Tiền Giang, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo chuyện vớt lục bình. Cây lục bình bao đời thân thiện với người dân miền Tây, giờ bỗng dưng trở thành mối nguy, đe dọa môi trường sống người dân đồng bằng.

Lục bình dày đặc trên kênh, cản trở giao thông nghiêm trọng.

Mười năm chuyện cũ

Cây lục bình có xuất xứ từ Nam Mỹ, đã theo người Pháp du nhập vào Việt Nam hơn 100 năm trước, nên có tên là “bèo Tây”. Vào vùng đất Nam bộ, loài cây này có tên mới là “lục bình”, do nói trại từ “lộc bình” – loài cây có cuống lá phình to giống như lọ lộc bình dùng để cắm hoa. Cây lục bình từ lúc vào miền Tây đã trở nên gần gũi, thân thiện với người dân nơi đây. Bông lục bình màu tím đẹp lạ lùng đi vào thơ, nhạc. Món rau xanh giòn, chát của nõn lục bình, hoa lục bình mãi là món ăn khoái khẩu của người dân miền Tây, nhất là khi nó dùng nấu canh chua hoặc chấm với cá kho. Thân và rễ lục bình dùng ủ phân hữu cơ rất tốt, từng góp phần làm cho ruộng đất miền Tây thêm màu mỡ. Nhiều mặt hàng gia dụng, hàng thủ công – mỹ nghệ dùng nguyên liệu chính là cây lục bình phơi khô… Nhưng, trong cuộc sống “hiện đại” ngày nay, nhiều giá trị truyền thống đã bị mai một. Ít còn người ăn món lục bình; phân hữu cơ ít còn sử dụng, thay vào đó là phân hóa học; đồ nhựa, ny lon thay thế các sản phẩm từ lục bình… Lục bình thì vẫn sinh sôi, phát triển, nhưng không còn ai “dòm ngó” tới nó. Chỉ tới khi lục bình “đại náo”, đe dọa môi trường sống của con người, thì người miền Tây mới giật mình, tìm cách tiêu diệt nó.

Cách đây gần 10 năm, vào năm 2009, chuyện cây lục bình đe dọa môi trường sống đã được đem ra bàn tại các cuộc họp của UBND, rồi HĐND tỉnh Long An. Lúc ấy, UBND tỉnh Long An đã giao Sở KHCN tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tìm giải pháp diệt lục bình. Ban đầu chỉ là cách “truyền thống” – phát động người dân vớt lục bình. Tuy nhiên, lục bình sinh sôi, phát triển rất nhanh, một bụi lục bình ngày hôm nay có thể trở thành đám lục bình vài tháng sau và sẽ phủ kín cả mặt kênh rạch vài năm tới. Để rồi đã 10 năm qua, câu chuyện đối phó với lục bình vẫn chưa tới hồi kết.

Lục bình sinh sôi rất nhanh trên sông Vàm Cỏ Tây.

Máy “diệt” lục bình tiền tỉ

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Long An mới đây (ngày 12&13.7), trả lời chất vấn của đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Trần Văn Cần - cho biết, lãnh đạo tỉnh đã bác đề nghị của Sở KHCN tỉnh mua máy vớt lục bình với giá 2,6 tỉ đồng. Ông Cần nhìn nhận, chuyện cây lục bình dày đặc sông rạch đang là vấn đề bức xúc trong tỉnh. Tuy nhiên, do tỉnh đang gặp khó khăn trong cân đối ngân sách, trong khi giá mua máy vớt lục bình lại quá đắt, mà phạm vi phục vụ của máy lại không lớn. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở KHCN tiếp tục nghiên cứu phương tiện cơ giới vớt và diệt lục bình bảo đảm tính khả thi và hiệu quả để áp dụng vào thực tế trong thời gian tới.

Trước đó, tỉnh Long An đã làm việc với hai doanh nghiệp đặt vấn đề đầu tư nhà máy chế biến cây lục bình nhằm góp phần giải quyết vấn nạn lục bình từ nhiều năm qua. Trước đó nữa, trước tình trạng lục bình sinh sôi kín trên kênh rạch, Sở KHCN Long An đã ký hợp đồng với một đơn vị chế tạo máy vớt tại TP HCM với kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi nghiệm thu máy không đáp ứng được yêu cầu nên Sở KHCN phải tìm đối tác khác. Sau đó, Sở KHCN Long An tiếp tục đề xuất tỉnh mua máy vớt, băm nhỏ lục bình có xuất xứ nước ngoài.

Theo Sở KHCN tỉnh Long An, lục bình đang che kín 30 – 40% mặt nước sông, kênh rạch ở một số địa phương, gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống, sản xuất của người dân. Sở đang theo đuổi dự án “Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và tiến bộ kỹ thuật để xử lý lục bình trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu tìm ra một công nghệ có tính phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, từ thu gom (cắt, vớt), xử lý sơ bộ (như đùn ép, vận chuyển), đến xử lý lục bình theo hướng tái sử dụng nguồn sinh khối thiên nhiên làm phân hữu cơ, làm biogas, làm nấm, làm giấy, làm thức ăn gia súc.

Để thực hiện dự án này, cần mua máy vớt, đồng thời băm nhỏ lục bình, cùng lúc triển khai các mô hình ứng dụng làm phân hữu cơ, làm nấm... Tuy nhiên, một máy mỗi năm chỉ vớt được một diện tích khá khiêm tốn khoảng 200ha, trong khi đó lục bình lại phát triển rất nhanh, chỉ vài tháng sau đã sinh sôi như ban đầu. Do vậy, ngoài việc tính toán để trang bị máy vớt lục bình, còn cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các địa phương, ban ngành và người dân.

Cách làm ở Tiền Giang

Trong ngày nghỉ cuối tuần 7.7, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang – ông Lê Văn Hưởng – đã dành trọn cả ngày nghỉ để đi chỉ đạo, kiểm tra chuyện vớt lục bình trong tỉnh. Cũng như Long An, nhiều kênh, mương, sông, rạch, ao, hồ trong tỉnh Tiền Giang bị lục bình che kín dày đặc, nước chảy không được, ghe xuồng đi lại càng khó khăn, cá tôm thiếu không khí để sống, côn trùng gây hại thêm điều kiện phát triển, cảnh quan – môi trường bị tổn hại nặng nề. UBND tỉnh Tiền Giang mở đợt ra quân cao điểm vớt lục bình trong 2 ngày 7 và 8.7. Ông Lê Văn Hưởng đã đến những địa bàn “trọng điểm” của lục bình như TX.Gò Công và các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và Chợ Gạo. Tại các nơi đến, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương sau khi hoàn thành việc vớt lục bình, trả lại độ thông thoáng cho kinh, rạch, phải có giải pháp để tránh tái diễn tình trạng lục bình phủ dày trở lại.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang không chăm chăm vào chuyện trang bị máy vớt lục bình, vừa tốn nhiều tiền, mà không giải quyết tận gốc của vấn đề. Khi chưa có biện pháp căn cơ, cách tốt nhất là thường xuyên dọn lục bình, ngay từ ban đầu, không để lục bình sinh sôi dày đặc rồi mới “ra quân” dọn dẹp. Trên một dòng sông, nếu không phân công một vài người dọn dẹp lục bình ngay từ đầu, có thể một năm sau cả địa phương lại phải ra quân vớt lục bình với nhiều tốn kém. Sẽ rất tuyệt vời nếu tới lúc nào đó người dân tranh nhau lấy lục bình (để làm việc gì đó, như đã từng trong quá khứ), giống như dự báo sẽ tới lúc người ta tranh nhau lấy rác.

Phấn Đấu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/luc-binh-dai-nao-mien-tay-621142.ldo