Lục bình không còn… “mắc cạn”

(SGGP-12G).- Với sự tài trợ của Luxembourg, từ tháng 4-2007 đến nay, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) triển khai dự án “Sản xuất nông thủy sản và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải”.

Từ “thảm họa” trở thành... dự án làm giàu TS Trần Trung Tính (Khoa Công nghệ - ĐHCT) báo động, thời gian gần đây nhiều tuyến kênh rạch ở Long An, Tiền Giang và nhiều tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện lục bình dày đặc làm cản trở dòng chảy và gây khó khăn cho các phương tiện giao thông đường thủy, nhất là vào mùa lũ cận kề. Không chỉ vậy, lục bình còn làm nghẹt các điểm lấy nước tưới tiêu của người dân và là nơi muỗi sinh sôi. Lục bình sinh sản rất nhanh làm cho các thực vật dưới nước rất khó sống, gây mất cân bằng hệ sinh thái, dẫn tới việc một số loài động vật tồn tại nhờ vào sự đa dạng của thực vật bị cạn kiệt dần. Ở một số nơi, cư dân địa phương xem lục bình là thảm họa nên đã dùng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình làm cho môi trường nước ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng. Trước “thảm họa” lục bình, tháng 4-2007, Chính phủ Luxembourg đã tài trợ cho Trường ĐHCT thực hiện dự án “Sản xuất nông thủy sản và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải”. Với dự án này, nước ép lục bình được ủ để sản xuất gas đun nấu, xác lá và thân lục bình được phơi khô dùng làm chất nền trồng nấm, rễ lục bình dùng để sản xuất phân. Xác lá và thân lục bình cũng được ủ chua để làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, lục bình và rơm (sau khi đã trồng nấm) có thể sử dụng cho hầm ủ biogas loại mới. 9 dòng sản phẩm đang được triển khai như: xử lý lục bình kết hợp với phân gia súc để sản xuất biogas, sản xuất bánh than bằng trấu, sản xuất biogas trên quy mô lớn để chạy máy và phát điện, phát triển trình diễn mô hình hầm ủ mới kết hợp nạp lục bình và các chất thải hữu cơ khác, sử dụng chất thải hầm ủ để sản xuất thức ăn tự nhiên cho cá bột (tảo, luân trùng và trứng nước), đồng thời nuôi cá, sử dụng chất thải biogas để xử lý ao nhiễm phèn, sản xuất nấm rơm theo kỹ thuật mới. Ngoài ra, từ rễ lục bình sản xuất phân hữu cơ, phân trùn và nuôi trùn kết hợp trồng rau. Hiện dự án được triển khai trong 16 ấp thuộc các huyện Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy và Phụng Hiệp. Đã có 800 nông dân được tập huấn làm hệ thống biogas, trồng trọt và nuôi thủy sản. Tín hiệu lạc quan Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, cho biết, Hậu Giang có 50.000ha đất sản xuất bị nhiễm phèn. Do môi trường bị nhiễm phèn nặng, muốn cải tạo phải mất 3-4 năm, cá biệt có nơi phải kéo dài đến 5-7 năm. Trước đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng trại nuôi cá tốn hơn 2 tỷ đồng nhưng rồi cũng phải “chạy làng” vì phèn tái nhiễm nặng! Với việc thực hiện mô hình dự án, chỉ mất 4- 6 tháng là độ pH ổn định, thả nuôi cá dễ dàng. Theo cách tính của TS Trần Trung Tính, nuôi 2 con heo có thể làm 1 hầm ủ biogas 4m3 cộng với khai thác lục bình đủ nhiên liệu cho gia đình 6 người sử dụng, khỏi tốn tiền mua chất đốt, kể cả nếu mở quán bán cà phê suốt ngày. Hôm đoàn tham quan đến thăm gia đình những hộ nông dân tiêu biểu của dự án, chúng tôi ghé nhà anh Nguyễn Tấn Hở (Hai Hở). Bây giờ, nhà anh Hai Hở đã khấm khá hơn rồi. Là thành viên của dự án, anh làm túi ủ biogas và có 2 ao cá nuôi rô phi, sặt rằn, trồng thêm rau màu để cải thiện. Còn anh Lê Văn Vinh ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, phấn khởi, cho hay: “Mấy năm trước nhà nghèo rớt mồng tơi. Giờ đây, khá lên nhờ tham gia dự án, tôi nuôi cá sặt rằn, cá rô phi, trồng đu đủ, trồng ớt… Nhờ biogas, mỗi năm tiết kiệm cũng kha khá, đủ ăn cái tết rôm rả miệt vườn!”. Nguyễn Hà Phương

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xahoi/2009/6/195001/