Lực đẩy mới cho thị trường phân bón hữu cơ

Bên lề Hội nghị Phát triển phân bón hữu cơ (PBHC) do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 9-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm, thoái hóa đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Thị trường sản xuất PBHC là thị trường khổng lồ, rất nhiều tiềm năng; tương lai, Việt Nam cần hơn 200 triệu tấn PBHC.

(Ảnh minh họa)

Hiện nay, cả nước có 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất PBHC, chiếm 24,5% trên tổng số 735 DN sản xuất phân bón đã được Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cấp phép, với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20 nghìn đến 500 nghìn tấn/năm).

Thực tế, thị trường sản xuất PBHC là thị trường khổng lồ, có rất nhiều tiềm năng. Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 43.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhiều bà con ứng dụng bón phân hữu cơ trong sản xuất. Trong tương lai, Việt Nam cần hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ.

Chi phí phân bón luôn chiếm tỷ trọng lớn, tới gần nửa giá vật tư đầu vào, trong trồng trọt, canh tác của bà con nông dân. Bởi thế, nguồn cung phân bón ổn định về giá cả và bảo đảm chất lượng là điều kiện hàng đầu để canh tác hiệu quả.

Phân bón hữu cơ đang và sẽ ngày càng được khuyến khích sử dụng trong nông nghiệp. Chính phủ rất quan tâm khuyến khích sản xuất hữu cơ; Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu: Sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất PBHC phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tăng lượng PBHC sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là ba triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm.

Lựa chọn, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất PBHC tiên tiến phù hợp điều kiện thực tế về nhân lực, trang thiết bị và nguyên liệu sẵn có của Việt Nam. Tăng tỷ lệ sản phẩm PBHC so tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10% trong thời gian tới.

Khuyến khích, vận động để bảo đảm ít nhất 50% trong tổng số các đơn vị sản xuất phân bón cả nước cam kết đầu tư phát triển sản xuất PBHC, đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân bón vô cơ lớn hiện nay. Trong năm 2018, cơ bản hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về PBHC phục vụ công tác quản lý nhà nước… Bộ NN-PTNT đã áp đặt yêu cầu các nhà máy sản xuất phân bón vô cơ phải dành 30% làm sản phẩm hữu cơ.

Nhưng theo Bộ NN-PTNT, tính đến tháng 12-2017, lượng PBHC sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước chỉ bằng 1/19 lần so với vô cơ (713 sản phẩm PBHC so với 13.423 sản phẩm phân bón vô cơ). Cả nước mới có 180 DN được cấp phép sản xuất PBHC, tổng công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm, bằng 8,5% tổng công suất ngành phân bón trong nước và gần bằng 1/10 tổng công suất phân bón vô cơ…

Việt Nam có thể sản xuất PBHC chất lượng cao, được các trang trại sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP) chấp nhận. Nhưng số sản phẩm PBHC sinh học và vi sinh sản xuất trong nước được chứng nhận quốc tế hiện rất ít, chủ yếu.

Nguyên nhân khiến sản xuất PBHC chưa khởi sắc và phát huy hết tiềm năng chủ yếu do DN vẫn chưa đủ lực hoặc mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và nâng công suất sản lượng do ngại chi phí để được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế cao (5.000 - 7.000 USD cho mỗi năm), trong khi thị trường còn hẹp và chưa cạnh tranh được với PBHC nhập khẩu từ Nhật Bản (làm từ nguồn phân gà) hoặc do nông dân thích tự ủ theo hướng dẫn của các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế.

Trên thực tế, ngoài Nghị định 108/NĐ-CP năm 2017, DN vẫn chờ đợi chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng PBHC, nhất là các hỗ trợ cụ thể về tín dụng, đất đai, thuế, và cần các tổ chức đủ thẩm quyền, uy tín cấp chứng nhận hữu cơ với chi phí hợp lý cho DN phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung, sản xuất và tiêu dùng PBHC nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức, cả về năng suất và thu nhập của người sản xuất; sự phức tạp, khắt khe về quá trình sản xuất và giám sát; sự thiếu tổ chức và lòng tin trên thị trường tiêu thụ.

Hơn nữa, cần thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng… nên chi phí sản xuất cao. Hiện nay, chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1104:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 chưa thật sự đi vào cuộc sống đã phải chuẩn bị thay thế bằng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2017 (đang dự thảo) với các quy định chi tiết hơn.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất PBHC, bảo đảm thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường… Về nguyên liệu sản xuất PBHC, chúng ta có nhiều thuận lợi. Riêng phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60 - 70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn; bên cạnh đó, chúng ta có phân bùn rất giá trị để sản xuất chế biến PBHC.

Theo Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17-2-2017, Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN-PTNT đã nhận chuyển giao từ Bộ Công thương trách nhiệm để thống nhất quản lý nhà nước về phân bón, bao gồm phân vô cơ, phân hữu cơ và phân bón khác. Trong nghị định này, có nội dung rất quan trọng là ưu tiên phát triển sử dụng sản phẩm PBHC; cùng với đó là một loạt cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật khác. Đây là khung khổ pháp luật sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nhanh hướng sản xuất sử dụng PBHC. Đây cũng là một thuận lợi lớn về pháp lý, tạo kỳ vọng tăng thêm xung lực thúc đẩy cơ cấu lại ngành phân bón theo hướng bền vững, nâng dần tỷ trọng sản xuất và sử dụng phân hữu cơ trong nước; góp phần bảo đảm thị trường phân bón phát triển lành mạnh.

Thực tế đang đòi hỏi cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, hài hòa với quốc tế; Chuẩn hóa các điều kiện tham gia sản xuất, phân phối PBHC cho các tổ chức, cá nhân; Tăng cường thông tin, tuyên truyền định hướng, tập huấn cho nông dân về tác dụng của PBHC, cách thức phối hợp cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, về các mô hình sử dụng PBHC cân đối hiệu quả.

Đẩy mạnh thanh tra, thu hồi, xử lý phân bón không bảo đảm chất lượng và bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định của pháp luật; Cụ thể hóa quy trình và trách nhiệm của tổ chức thực hiện khảo nghiệm phân bón, bảo đảm tuân thủ đúng tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và các yêu cầu khảo nghiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm.

Nhu cầu ăn sạch và yêu cầu sản xuất sạch hơn là đòi hỏi cấp thiết và xu hướng chung của xã hội. Lực đẩy mới cho thị trường nông sản sạch được kỳ vọng từ phát triển thị trường PBHC sạch. Tăng cường sản xuất và sử dụng PBHC sạch là động lực và điều kiện góp phần hiện thực hóa mục tiêu này; đồng thời, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37945502-luc-day-moi-cho-thi-truong-phan-bon-huu-co.html