Lục địa già trẻ lại

Trái ngược với danh xưng lục địa già, châu Âu đang dẫn đầu một cuộc chuyển đổi thế hệ trên chính trường thế giới.

Một trong những nhà báo Mỹ thông hiểu nhất về Liên minh châu Âu (EU), ông Ryan Heath, gần đây viết độ tuổi trung bình của lãnh đạo các nước châu Âu hiện thấp hơn 50. Nhiếp chính Matteo Ciacci của đất nước tí hon San Marino chỉ mới 28 tuổi.

Nếu chỉ tính lãnh đạo 28 nước EU, độ tuổi trung bình là 51,28 và nếu trừ ra Thủ tướng Anh Theresa May (hiện 61 tuổi), con số trên giảm còn 50,92. Có thể kể ra những cái tên rất trẻ trung là Thủ tướng Áo Sebastian Kurz (31 tuổi), Thủ tướng Ireland Leo Varadkar (39 tuổi) và người đồng cấp Estonia Juri Ratas (40 tuổi), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (40 tuổi), Thủ tướng Charles Michel và Peter Pellegrini của Bỉ và Slovakia (cùng 42 tuổi)...

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tại Điện Elyseé ở Paris vào tháng 1-2018 Ảnh: RFI

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tại Điện Elyseé ở Paris vào tháng 1-2018 Ảnh: RFI

Đối với nền chính trị dựa hầu hết trên cơ sở nghị viện như châu Âu, thay đổi thế hệ lãnh đạo kéo theo sự sụp đổ của các hệ thống đảng phái truyền thống. Hệ thống cũ ở Pháp đang vụn vỡ sau khi phong trào En March tràn vào thống lĩnh quốc hội nhờ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của ông Macron. Tương tự là ở Ý và Tây Ban Nha. Tại Đức, một trong 2 đảng lớn nhất thời hậu Thế chiến II - Đảng Dân chủ Xã hội - đang trượt vào khủng hoảng trầm trọng…

Nguyên nhân khiến cử tri đưa thế hệ chính trị gia mới ở châu Âu "lên ngôi" thường là do tâm lý kỳ vọng vào sự thay đổi, ý thích thử nghiệm những mô hình chính phủ khác nhau. Thú vị ở chỗ các quy tắc chung của EU và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước thành viên lại tạo điều kiện nhất định cho việc thử nghiệm: Cử tri biết rằng có sẵn một tấm lưới an toàn nhất định về mặt chính trị và kinh tế để "đỡ" họ nếu chẳng may kết quả thử nghiệm thất bại.

Ở những nơi không có "lưới an toàn" trên thế giới, sự thay đổi có thể chậm hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có thể theo dõi những gì diễn ra ở châu Âu để học hỏi về một tương lai chính trị được vận hành bởi thế hệ Y (sinh ra từ đầu những năm 1980 tới đầu thập niên 2000).

Leonid Bershidsky, cây bút bình luận của Bloomberg (Mỹ) kiêm nhà sáng lập nhật báo Vedomosti và trang web Slon.ru (Nga)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/luc-dia-gia-tre-lai-20180719210234464.htm