Lực lượng chủ công làm trong sạch thị trường

Với vai trò là lực lượng chủ công trên thị trường nội địa, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã liên tục mở các đợt cao điểm chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác để kiểm tra, kiểm soát, góp phần từng bước làm trong sạch thị trường.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa

Thiếu công cụ để kiểm soát

Thống kê của Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ trên diện rộng hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Theo đó, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra trên 70.150 vụ; phát hiện, xử lý trên 49.500 vụ vi phạm với tổng số thu nộp ngân sách trên 240 tỷ đồng.

Chi cục QLTT các địa phương đã duy trì có hiệu quả đường dây nóng từ lãnh đạo chi cục tới các đội và lực lượng phối hợp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác trên từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố để sẵn sàng xử lý kịp thời các vụ việc nổi cộm, phức tạp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các siêu thị, chợ đầu mối, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT, hiện nay còn rất nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả công tác QLTT chưa cao, ví dụ như: Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, sau thời gian áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ khó khăn cho các lực lượng khi thực thi nhiệm vụ. Điểm yếu của lực lượng QLTT hiện nay là trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều địa phương có địa bàn kênh rạch chằng chịt, hoạt động buôn bán trên sông diễn ra sôi nổi nhưng lực lượng QLTT không có xuồng máy, ca-nô để kiểm tra, kiểm soát...

Do những hạn chế, bất cập này, nên mặc dù lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường quyết liệt, song hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp. Đối với hàng giả, các đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.

Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép các loại chất phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong sản xuất, canh tác, chăn nuôi... có dấu hiệu diễn biến phức tạp, gây bất an dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân...

“Tăng lực” cho QLTT

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng nên công tác chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ thêm khó khăn. Đặc biệt, thị trường ngày càng phát triển đa dạng, phức tạp; thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng tinh vi và bất chấp hơn trước. "Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm đạt hiệu quả cao nhất rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và quần chúng nhân dân" - ông Ngọc kiến nghị.

Ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - trong một đợt ra quân kiểm tra mũ bảo hiểm

Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra sản xuất, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa. Chủ trì và phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng như: Thuốc lá, rượu, gia súc gia cầm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng; kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, chợ đầu mối, tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các địa phương như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, An Giang… Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.

"Thời gian tới, khi Pháp lệnh QLTT chính thức có hiệu lực, với sự thống nhất và tập trung từ Trung ương tới địa phương, lực lượng QLTT chắc chắn sẽ được “tăng lực”, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo sự chuyển biến kịp thời trong tổ chức và hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường" - ông Ngọc kỳ vọng.

Thúy Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luc-luong-chu-cong-lam-trong-sach-thi-truong-71265.html