Lực lượng cứu hộ đồng hành với du khách ở Phong Nha – Kẻ Bàng

Nay, du khách đến với Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình cũng như người dân sống nơi đây sẽ an toàn hơn khi có lực lượng cứu hộ, cứu nạn Sông Son. Lực lượng này được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Du khách di chuyển bằng thuyền máy trên sông Son để vào động Phong Nha.

Du khách di chuyển bằng thuyền máy trên sông Son để vào động Phong Nha.

Xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm trong vùng Di sản Thiên nhiên thế giới – Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng và là một trong những trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Bình.

Đây là nơi có sản phẩm du lịch trên bộ, trong lòng hang động và cả trên sông nước thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, công tác cứu hộ cứu nạn lâu nay dường như bị bỏ ngỏ lâu nay. Một số tai nạn trên sông lẫn trên bộ đáng tiếc đã xảy ra.

Những tình nguyện viên cứu hộ cứu nạn Sông Son đều rất tâm huyết, thành thạo địa hình và giỏi bơi lội.

Thêm vào đó, con sông Son vốn thường hiền hòa chảy qua khu vực này lại rất hung dữ khi mùa mưa bão đến. Nước lớn cuồn cuộn dâng lên nhanh chia cắt nhiều thôn xóm của Sơn Trạch và nhiều địa phương lân cận, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Việc có một đội cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp phản ứng nhanh ở khu vực này là vấn đề đặt ra cần thiết.

Trăn trở trước thực trạng này, ông Phạm Ngọc Sâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch đã vận động gia đình, bạn bè người thân cùng các doanh nghiệp bỏ ra gần 400 triệu đồng mua sắm phương tiện, thiết bị và đứng ra thành lập Công ty TNHH cứu hộ, cứu nạn Sông Son (Cty Sông Son) để đảm bảo an toàn cho người dân sống trong khu vực và khách du lịch khi sử dụng các dịch vụ du lịch ở Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đội thuyền máy và ca nô chuyên dụng của lực lượng cứu hộ cứu nạ trên Sông Son.

Cty Sông Son được thành lập và hoạt động với tinh thần tự nguyện, tự trang trải kinh phí; mọi hoạt động cứu hộ, cứu nạn của đơn vị đều với mục đích nhân đạo và từ thiện.

Đội thuyền cứu hộ, cứu nạn của công ty hiện có 40 tình nguyện viên là người địa phương rất nhiệt tình, tâm huyết, thành thạo địa hình và giỏi bơi lội. Đội cứu hộ, cứu nạn hiện được trang bị 18 chiếc thuyền máy, 1 ca nô chuyên dụng có công suất 115CV cùng đầy đủ áo phao và các thiết bị y tế sơ cấp cứu ban đầu.

“Tôi thành lập công ty này, trước hết là làm công tác từ thiện, sau đó nữa là giúp cho bà con nhân dân và du khách tham quan tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra”, ông Phạm Ngọc Sâm, Giám đốc Cty Sông Son bộc bạch.

Tập huấn sơ cấp cứu từ thực tiễn ngoài trời cho các tình nguyên viên cứu hộ cứu nạn.

Để hoạt động cứu hộ, cứu nạn đảm bảo chuyên nghiệp, bài bản hơn, Cty Sông Son vừa qua cũng đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình tổ chức khóa tập hấn nghiệp vụ nhằm trang bị thêm kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho các tình nguyện nguyện viên.

Khóa tập huấn diễn ra chất lượng, nghiêm túc trong thời gian 3 ngày dưới sự hướng dẫn của các giảng viên của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình, lực lượng tình nguyện viên cứu hộ, cứu nạn của Cty Sông Son đã được trang bị những nguyên tắc, kỹ năng cơ bản trong sơ cấp cứu tai nạn thương tích; 10 kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản để vận dụng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống tai nạn, bệnh tật xảy ra.

Khóa tập huấn cho các tình nguyện viên.

Anh Hoàng Văn Cường, tình nguyện viên cứu hộ, cứu nạn Sông Son cho biết: “Được tham gia lớp tập huấn, bản thân tôi đã được tiếp thu thêm những kiến thức cơ bản nhưng rất bổ ích và rất thiết để khi có các tình huống xấu xảy, tôi sẽ tham gia cứu hộ, cứu nạn cho người dân một cách hiệu quả và an toàn nhất”.

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ sơ cấp cứu tai nạn thương tích cho lực lượng tại địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là các đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khi đặc thù nổi bật của du lịch Quảng Bình vẫn luôn nổi tiếng với loại hình trải nghiệm, khám phá mạo hiểm trong rừng và hang động.

Thực hành băng bó, sơ cấp cứu.

“Trong công tác của mỗi thành viên cứu hộ cứu nạn, vấn đề sơ cấp cứu và cứu đuối là 2 vấn đề cần thiết phải được trang bị đầy đủ. Đội thuyền phục vụ du khách trên sông của Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng hiện có hơn 600 người. Và sau khóa tập huấn này, chúng tôi sẽ tổ chức tiếp các lớp khác cho lực lượng nói trên” - ông Nguyễn Trung Thành, Phó Ban công tác xã hội - Hội Chữu thập đỏ tỉnh Quảng Bình, cho biết.

Bằng tinh thần tương thân tương ái vì cộng đồng, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp các ngành và sự ủng hộ của người dân, hy vọng Cty Sông Son sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho du khách khi gặp những sự cố không đáng có ở Phong Nha – Kẻ Bàng cũng như đối với người dân địa phương khi mùa mưa lũ hàng năm ập về.

Trần Nguyên Phong

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/luc-luong-cuu-ho-dong-hanh-voi-du-khach-o-phong-nha-ke-bang-483917.html